Trần Thanh Tuân
Cơ
Điện lăn lộn với đời
Đang bon bon trước vòng xoay chợ Bến thành thì nhác
thấy một khuôn mặt quen quen đứng ngay dưới chân tượng Trần Nguyên Hãn, tôi
vòng xe lại, tới gần thì bất ngờ cả hai đều reo lên : A !
Chỉ có a thôi là nhận ra nhau, cái mặt Cơ Điện chả lẫn
đi đâu được ! Còn tên thì phải một lát mới nhớ. Hai mươi năm rồi còn gì. Thế là
: tao Tuân Vịt đây ! nó cũng : tao Anh Bơ đây! Vồ vập kéo nhau ngay vào nhà
hàng Cột cờ Thủ ngữ hàn huyên.
Tôi gặp Trần Bắc Anh tại Sài gòn tình cờ như vậy.
Nó có biệt danh Anh Bơ vì dạo khó khăn gian khổ còn
học ở ĐH Cơ điện thằng này khi về nhà lúc nào cũng mang lên trường được một miếng
bơ to bằng nửa bàn tay. Bạn bè đều được nó chia cho mỗi thằng một tí bôi vào mẩu
bánh mì. Với lại, nó có tính chẳng coi cái gì quan trọng, cái mặt thỉnh thoảng cứ
bơ bơ như nghĩ cái gì đâu đâu. Đã biết được nhau thì hay tụ tập và thế là cuộc
đời bươn chải, chìm nổi của nó qua những lần say với bạn hé lộ. Biết được nỗi
gian truân của nó vươn lên trước cuộc sống cũng chẳng ghê gớm gì so với anh em,
nhưng nó có vài chuyện tôi rất tâm đắc, dưới đây là một chuyện như vậy.
***
Có các vàng thì cũng chả
ai dám nghĩ học ĐH Cơ điện ra đi làm lại trở thành người bán chợ. Qúa lắm thì
kinh doanh sắt thép, máy bơm, phụ tùng , đồ điện, trái nghề lắm thì cũng bán bia
hơi, thuốc diệt mối mọt, vòng tránh thai… Ai lại đi bán chợ, mà bán chợ to, chợ
huyện chợ tỉnh mới ghê. Thế mà nó thành người bán chợ, người Việt nam đầu tiên
bán chợ. Guines Việt nam nếu có mục ấy thì chắc là ghi tên nó rồi. Nghe thì lạ,
nhưng mà đúng thế. Chỉ vì khó quá mà nghĩ ra, thế mà nó cũng nổi tiếng một thời
loanh quanh mấy tỉnh miền tây Nam bộ này.
Chợ xây xong, chủ đầu tư không có tiền trả. Tổng Giám
đốc cứ nó mà giã. Làm phúc phải tội là như thế này đây.
Tiền thì mất giá hàng ngày.
Lo.
Chuyện là thế này.
Một hôm khoảng 10-11h của cái thời khốn khổ 89-90, nó đang làm việc thì
có điện thoại của anh Tư Tổng Giám đốc gọi lên: mày xuống anh có chút việc. Vội
vã xuống ngay, nó bước vào thấy đông khách quá , toàn người lạ, thì ra anh Tư
đang tiếp khách tỉnh.
Trước đó một lúc mấy ông khách bạn chiến hữu của anh
Tư lên Sài gòn tìm nhờ giúp tỉnh một việc khó khăn.
Năm ấy Đại hội đảng lại qua hai vòng. Hết vòng một
gay go lắm vì dân có nhiều ý kiến, đặc biệt là cái chợ tỉnh xây ba năm mới được
cái nền, bốn năm nhà thầu đều bỏ. Cái chợ thì chình ình giữa đô thị thế kia, dân
xì xào bàn tán nhức đầu lắm rồi.
Kinh tế èo uột, ngân sách gần như trống không, mà
cái chợ như là trái tim của đời sống dân sinh lại thế này, nhiều tiếng ai oán
than thở. Cán bộ tỉnh lo nhiều mà bí không biết gỡ làm sao.
Cướp giật, lừa đảo, thất nghiệp, mù chữ, bể hụi, bộ
đội giải ngũ không việc làm, nông dân bỏ ruộng…trăm thứ việc rối mù.
Quản trị xã hội khó thật mà lãnh đạo thì từ R ra, cứ
vừa làm vừa học, nhiều cái sai lè mà cứ tưởng đúng. Nghị quyết ai cũng thấy
đúng, biểu quyết lúc nào cũng 100% , chỉ khi thực hiện là thấy trệch, không hiểu
làm sao?
Thôi, đành lên nhờ bạn bè giúp đỡ, may ra…không thì
vòng hai anh em rớt sạch mất.
Nghe các anh ở tỉnh nói xong anh Tư bảo các anh đợi
chút để tôi gọi chú em này, tham mưu của tôi, nó được lắm, xem nó tính gì giúp
được không ? Thế là anh Tư gọi nó.
Kéo cái ghế nhỏ vào bên cạnh, anh Tư bảo mày ngồi
đây rồi giới thiệu với khách, đây là cậu Bắc Anh trưởng phòng của tôi. Quay qua
anh giới thiệu sơ sơ, đây là anh Ba phó bí thư trực kiêm Chủ tịch, và mấy anh
trưởng các ban ngành ở địa phương. Nhìn thấy toàn những bộ mặt khắc khổ vẻ lo
âu tràn ra ánh mắt.
|
Chiều tàn |