Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

CHÚNG TÔI, NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ

Quang K8MA

(Viết cho kỷ yếu K10 nhân kỷ niệm 40 năm ngày vào trường – Tháng  5/2014 – Quang K8.)

Nhân dịp các bạn K10 trường Đại Học Cơ Điện (nay gọi là trường Đại Học Kỹ Thuật Công Nghiệp Thái Nguyên) tổ chức kỷ niệm ngày 40 năm vào trường và 35 năm ra trường. Xin được viết vài dòng tâm tình để chia sẻ niềm vui, niềm tự hào cùng các bạn.

    Vào khoảng trung tuần tháng 12 năm 1972, những thành viên K8 bắt đầu nhập trường. Chúng tôi ngày ấy kéo nhau lên Thái Nguyên vì một lý do “Đi học Đại Học”. Tuy nhiên đằng sau mấy cái chữ “Đi học Đại Học” ấy cũng có nhiều điều để nói lắm.
    Cuối cái năm 1972 cũng là cuối cái cuộc “Chiến tranh tổng lực” của Đế Quốc Mỹ ở Việt Nam. Một cuộc chiến kéo dài và hao người tốn của. Một thiệt hại vượt quá sức chịu đựng của cái Cường Quốc giàu có và văn minh nhất thế giới kia. Nhưng đối với Việt Nam, đối với các thế hệ cha, anh và cả chúng tôi nữa, còn gì mà thiệt hại, còn gì để so sánh, để biết là đã vượt quá sức chịu đựng hay chưa. Sự hy sinh của cả dân tộc là quá lớn. Lớn đến nỗi chúng tôi không biết là mình đã hy sinh những gì…
    Và vì thế, khi nhận được giấy báo trúng tuyển Đại Học, chúng tôi mừng, cha mẹ chúng tôi khóc. Thật nhanh chúng tôi chuẩn bị khăn gói lên Thái Nguyên. Chúng tôi biết tạm thời mình không phải đi bộ đội và chúng tôi cũng háo hức đón nhận một cuộc sống tự lập. Những đứa trẻ chúng tôi sẽ sống xa nhà, sẽ có những người bạn mới từ bốn phương gom lại, sẽ được học thêm những gì chưa được học từ sự dạy dỗ của các Thày, các cô trên trường Đại Học, chắc hẳn sẽ cao siêu và xa lạ hơn so với cái thời phổ thông loạn lạc lúi sùi ấy. Chúng tôi nghĩ thế…

Hình ảnh ngôi trường ĐHCĐ của chúng ta ngày ấy.


    Rồi Đất Thái Nguyên đã dang rộng cánh tay đón chúng tôi. T. Ba Nhất địa danh đầu tiên của Trường Đại Học Cơ Điện Bắc Thái dang rộng cánh tay đón chúng tôi vào lòng. Những ngày đầu tiên nhập trường ấy đứa Nam Định, Hải Dương, đứa Hải Phòng, Hà Nôi, có đưa tít Quảng Bình, Vĩnh Linh, đứa giọng bắc, đứa giọng trung đã quấn lấy nhau thành một tập thể mới. Tất cả nào có biết “chế tạo máy” là gì, “Điện xí nghiệp” là gì, chỉ biết rằng học đi để ngày sau đỡ khổ…
    Những ngày bình yên ấy chẳng được là bao, Trung tuần tháng 12, Đế Quốc Mỹ dùng B52 dải thảm miền Bắc, trong đó có Thái Nguyên. Khu công nghiệp Gang Thép và ga Lưu Xá rất gần trường, vì thế bom B52 đã rơi và thày trò trường Đại Học Cơ Điện đã có người hy sinh. Chúng tôi đi sơ tán. Thiếu thốn nhiều hơn, khổ ải nhiều hơn và mất mát cũng nhiều hơn.
    Đến năm 1974, các bạn K10 nhập trường. Khi ấy miền Bắc không còn chiến tranh nữa. Các khóa của trường Đại Học Cơ Điện không còn phải học nơi sơ tán. Tất cả đã kéo về khu trường chính  đang xây dựng. Khổ sở, thiếu thốn đã bớt nhưng đầy đủ và sung sướng thì vẫn chưa. Sướng hơn đấy nhưng vẫn đói vẫn thiếu đủ bề. Cái đói, cái thiếu này các bạn K10 cũng cùng chung chia sẻ. Và vì cái cảnh cùng chia sẻ thiếu thốn ấy đã kéo các khóa lại với nhau.
    Mỗi khóa ở mỗi tầng, hoặc mỗi nhà Kí Túc Xá khác nhau nhưng cùng một khu. Còn nhà ăn thì chung. Đặc biệt khóa nào cũng có người quê đây, người quê kia và thật lạ, thời nào cũng vậy. Cứ xa nhà là người ta lại tìm nhau cùng quê, càng xa, quê hương càng gần. Vì thế cái sự giao thoa ấy đã kéo chúng tôi gần lại với nhau hơn. Từ từng nhóm nhỏ đến nhóm lớn hơn và cái danh giới khóa dần mờ đi. Chúng tôi gọi nhau là anh em, chúng tôi cũng gọi nhau là mày tao…

Những cánh cò nhẫn nại bay về mọi miền của Tổ Quốc.

    Rồi lần lượt khóa này ra trường trước, khóa kia ra trường sau, những cái riêng, những cái chung cứ trộn lẫn vào với nhau. Như những chú chim non đến ngày rời tổ, chúng tôi bay đi về mọi miền đất nước. Có ai vương vấn vì người bạn khác khóa còn ở lại, hay đã rời trường không nhỉ? Chắc có đấy, nhưng điều lớn hơn là công việc, là sự nghiệp phía trước. Chúng tôi phải bay đi.

    Chẳng phải là chuyện tình cờ đâu. Mặc nhiên thôi. Vì đất nước cần chúng tôi, nền công nghiệp hiện đại cần chúng tôi. Thế là chúng tôi không tình cờ lại bay về với nhau. Từng cụm, từng cụm, Hà Nội, Lạng Sơn, Hạ Long, Nam Định… rồi Đà Nẵng, nha Trang, Sài Gòn, Vũng tàu…Chúng tôi lại gặp nhau ở đó. Khóa trước, khóa sau chúng tôi thành hội. Rất nhiều Hội Đại Học Cơ Điện ở các địa phương được thành lập. Tất cả chúng tồi đều một nguyện ước là hướng về mái trường thân yêu trên đất Thái Nguyên, nơi chúng tôi đã từng sống và học tập. Tất cả chúng tôi đều biết rằng, chúng tôi đã lớn khôn, chúng tôi đã thành người là nhờ sự dạy, sự học từ mái trường Đại Học Cơ Điện thân yêu ấy. Và vì thế MÃI MÃI CHÚNG TÔI LÀ BẠN.
MÃI MÃI CHÚNG TÔI LÀ BẠN.

(Viết cho kỷ yếu K10 nhân kỷ niệm 40 năm ngày vào trường – Tháng  5/2014 – Quang K8.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]