Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

DƯỚI GỐC MAI VÀNG 

    Dưới gốc mai vàng


Thọ K8MA
Là câu chuyện đăng trên trang Chùa Ba Vàng, nội dung cũ nhưng phần kết hoàn toàn khác. 

Ngày xưa, có đôi vợ chồng Rùa sống rất êm đềm trong một động đá bên dòng sông thơ mộng.
Một hôm, Rùa vợ mắc phải chứng bệnh ăn không tiêu. Rùa chồng cho mời tất cả lương y thủy giới đến chữa, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà có phần trầm trọng hơn.
Một buổi chiều nước lớn, Tôm có dịp đi qua động Rùa,nghe có tiếng rên liền hỏi:
- Anh rùa ơi! Bộ trong nhà có ai đau sao tôi nghe có tiếng rên? Rùa chồng bước ra trả lời:
- Mấy hôm nay vợ tôi bị bịnh vì ăn không tiêu.
- Chị đau mấy hôm rồi?
- Ba hôm rồi, đúng hôm kỷ niệm ngày chúng tôi gặp lầnđầu, vợ tôi vì sung sướng nên ăn nhiều hơn thường ngày.


Tôm ân cần hỏi:
- Anh có mời ai đến chữa bịnh cho chị chưa?
- Ðủ cả rồi, nhưng sao không thấy thuyên giảm tí nào,tôi lo quá anh ơi.
- Tôi biết một thứ thuốc hay lắm, có thể làm chị lành bịnh tức thời, nhưng không biết anh dám tin kinh nghiệm của tôi không?
- Anh biết làm ơn chỉ giùm, ơn này tôi không dám quên.
- Ơn nghĩa gì, biết chỉ giùm cho nhau, tôi chỉ thuốc sợ khó tìm. Bây giờ, nếu anh muốn chị chóng lành bịnh thì anh phải mau mau đi tìm gan khỉ đem về phơi khô, rồi cho chị ăn từng miếng nhỏ.
Nói xong Tôm theo dòng nước lội đi. Rùa chồng trở vàonói với vợ:
- Thuốc của anh Tôm chỉ có vẻ hay, nhưng biết làm sao tìm ra được gan khỉ mà phơi khô.
- Em cũng không biết nữa.
Rùa chồng tìm trong óc mãi lúc lâu mới nhớ ở cách đó khá xa có một hòn đảo có rất nhiều khỉ thường hay nhảy nhót, đùa giởn bên dòng sông. Con khỉ chúa đàn thường hay nhăn nhó mặt mày trêu chọc mỗi khi thấy Rùa lội qua.
- Anh nhất định chữa bịnh cho em bằng thứ thuốc anh Tôm vừa chỉ. Bây giờ anh đi tìm thuốc đây, em ở nhà nằm yên một chỗ chờ anh,nhớ đừng đi đâu hết nghe không. Anh ráng đi mau về sớm với em.
Dặn dò xong Rùa chồng hăng hái ra đi. Vừa bơi, Rùa vừa suy nghĩ phải ăn nói làm sao cho thật hay để Khỉ chịu theo về động của mình. Rùa bơi đến đảo thì đã quá nữa đêm. Vầng trăng mười sáu nghiêng mình tỏa xuống đảo một màu vàng nhạt, làm cảnh vật trở nên mờ ảo trông thật đẹpmắt.
Vừa bước lên bờ, Rùa đã lên tiếng gọi. Khỉ nghe tiếnggọi liền hỏi:
- Ai gọi tôi đó?
- Tôi, Rùa đây.
- À, té ra anh mà tôi tưởng ai đâu xa lạ. Anh đến đây chơi hay tìm tôi có việc gì?
- Không có việc gì cả. Hôm nay trăng đẹp tôi thả đi chơi, thấy anh tôi có cảm tình, nên ghé hỏi thăm vài lời thế thôi.
- Nếu thế thì còn gì bằng, tôi cũng đang buồn, không biết nói chuyện với ai. Anh nói chuyện nghe có vẻ hiền lành vui vẻ, thế mà ngày trước tới giờ thấy anh xa lạ tôi cứ tưởng là anh dữ dằn và khó chịu.
- Ồ, sao anh lại nghĩ thế, tôi mới là hiền lành, dễ chịu nhất thế gian. Thôi anh xuống gần đây nói chuyện cho vui, anh ở trên cây tôi ngó lên hoài mỏi mắt quá.
Khỉ liền chuyền cây xuống ngồi gần Rùa .
- Anh chuyền cây giỏi quá, tôi thật phục tài anh.
-Tôi thì được cái sung sướng là chạy nhảy, chuyền cành không ai bằng, nhất là những đêm trăng đẹp như thế này, ít khi tôi chịu đi ngủ sớm lắm, tôi thích ngồi ngắm trăng một mình bên bờ sông.
Nghe Khỉ nói, Rùa ganh tức lắm nhưng cũng cố lấy giọng bình thản nói:
- Nghe anh nghe nói tôi ham quá, anh biết thưởng thức vẻ đẹp của đêm trăng, nếu nghe được cá hòa nhạc chắc anh hẳn hài lòng lắm.
- Cá hòa nhạc làm sao? Anh nói rõ tôi nghe với.
- Ở chỗ động tôi ở, buổi sáng nào lúc mặt trời vừa mọc, cá cũng hòa nhạc để đón chào bình minh. Tiếng nhạc của từng loài cá hòa cùng tiếng nước chảy trên động đá, trên rong rêu nghe tuyệt diệu làm sao, không kém gì nhạc ở thiên thai.
- Nghe anh nói tôi ham quá, nhưng tôi là giống trời sanh ở trên bờ, nên đành phải thua anh ở điểm đó chớ biết làm sao.
- Nếu chuyện không biết lội làm cản trở ước muốn của anh thì có gì khó đâu. Anh cứ việc lên lưng tôi, tôi sẽ đưa anh đi xem hòa nhạc, tôi hứa chắc cho anh khỏi lo là anh sẽ được an toàn, không ướt một sợi lông.
- Tôi cảm ơn lòng tốt của anh, nhưng tôi nặng quá, tôi sợ làm anh mệt nhọc.
- Chỗ anh em mà, anh đừng lo ngại gì cả. Anh lên mau,chúng ta cùng đi cho kịp giờ. Ðoạn khởi đầu bao giờ cũng hay hơn hết…
Không đợi Rùa nói thêm, Khỉ vội leo lên lưng Rùa.
Rùa vội bò xuống sông bơi thật nhanh, lòng cảm thấy sung sướng vì đã gạt được Khỉ  một cách quá  dễ dàng. Ði được nữa đường thì trời đã hừng sáng.
- Tôi nghe dường như có tiếng hòa nhạc phải không anh Rùa?
Rùa không nhịn được phá lên cười làm Khỉ ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì làm anh cười có vẻ thích thú thế?
- Tôi cười anh, cười sự ngây ngô khờ dại của anh. Khỉ từ xưa tới nay vốn khôn ngoan mà lại thua trí Rùa.
- Anh nói gì lạ vậy? Không có hòa nhạc sao?
- Anh là con vật kém thông minh nhất mới đi tin chuyệncá hòa nhạc.
- Nếu không có chuyện hòa nhạc thì tại sao anh lại chở tôi đi làm gì cho nặng?
- Tại tôi cần lá gan của anh để chữa bệnh cho vợ tôi.
- À, té ra anh đến tìm tôi để lấy lá gan về làm thuốccho vợ anh uống?
- Ðúng vậy!
- Nếu thế thì anh lầm to rồi. Anh đem tôi về mổ bụng, tìm khắp chỗ cũng không làm sao thấy được gan tôi.
- Tại sao lạ vậy?
            - Anh không biết sao, tôi thì có tính cẩn thận, nên trước khi nhảy chỗ nào nguy hiểm, tôi thường treo lá  gan lên một cành cây. Như thế sẽ chắc ý hơn và khỏi mất công tìm. Anh không biết sao, loài khỉ chúng tôi,con nào cũng làm như thế cả. Treo gan rồi chạy nhảy tự do dễ dàng hơn. Hồi nãy, anh hối đi gấp quá nên tôi quên đem gan theo rồi.
Rùa ngạc nhiên ngừng bơi chờ nghe Khỉ nói.
- Phải anh đừng tính gạt tôi mà nói tử tế: "Vợ tôi đaunặng, tôi cần lá gan của anh để chữa bệnh cho vợ tôi”, thì tôi không bao giờ từ chối. Anh cũng thừa biết là tôi có cảm tình với anh rất nhiều. Lá gan của tôi để treo nhánh cây hay ở trong bụng chị thì cũng thế thôi. Không có thiệt hại gì cho tôi cả kia mà. Nếu anh nói thật thì tôi sẳn sàng tặng chị lá gan và sung sướng đã làm được một điều thiện.
Rùa cảm thấy gượng ngùng không biết làm sao. Dáng điệu bình thản của Khỉ càng làm cho Rùa mắc cở hơn.
- Thật tôi không biết làm sao, tôi lấy làm xấu hổ vì đã đi lường gạt một người bạn tốt như anh. Anh không có đem gan theo thì tôichở anh về cũng vô ích.
- Tôi hiểu tình cảnh của anh, nên không nở giận anh làm gì. Tôi bằng lòng cho lá gan của tôi. Thôi anh chở tôi về đảo mau để lấy lá gan làm thuốc cho chị.
Rùa cảm ơn rối rít quay đầu bơi trở lại. Vừa đến đảo.Khỉ vội nhảy lên bờ, leo lên cây chuyền cành này sang cành khác. Chờ một lúc lâu, Rùa sốt ruột hỏi:
- Lá gan của anh đâu?
Khỉ lượm một hòn đá to liệng xuống lưng Rùa và nói:
- Gan của tôi đó, đem về mà làm thuốc cho khôn thêm tí nữa.
Hòn đá to của Khỉ liệng trúng lưng tuy không làm tổn thương thể xác, nhưng làm xao động tinh thần của Rùa rất nhiều. Vẻ mặt giận dữ của Khỉ không làm cho Rùa tức giận, mà trái lại làm Rùa hối hận vô cùng. Rùa nghĩ thầm: "Chỉ tại mình có lòng hiểm ác định giết hại bạn để cứu mạng vợ mình. Cũng may Khỉ lanh trí, nếu không thì đã tán mạng rồi. Khỉ oán giận mình là phải. Mà anh Tôm cũng độc, bày chi phương thức ác quá, mà mình thì cũng không hiền gì. Không biết thuốc làm bằng lá gan có trị bịnh được không mà dù là thần dược đi nữa cũng chẳng nên dùng. Ai nở giết oan một mạng người để cứu một người. Dù kẻ được cứu là người thân, mà kẻ bị giết là người thù...”
Chỉ trong giây phút mà trong trí Rùa thoáng qua không biết bao ý nghĩ. Rùa ngước nhìn Khỉ với đôi mắt lành, đầy vẻ hối hận:
- Tôi rất ân hận về hành động gian ác của tôi vừa rồi,xin anh từ bi hỷ xả cho tôi.
Nãy giờ Khỉ cũng ngạc nhiên không thấy Rùa có phản ứnggì, khi liệng đá trúng lưng, mà trái lại có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Bao nhiêu hờn giận đã theo viên đá đổ trút xuống lưng Rùa rồi, nên khi Rùa tỏ vẻ hối hận. Khỉ cảm thấy hả dạ ngay, vì bản tánh của Khỉ cởi mở, không hiểm ác.
- Tôi xin anh tha lỗi về cử chỉ tàn bạo của tôi vừa rồi. Anh có sao không? Lên đây tôi xem, tôi sẽ đi hái thuốc chữa trị cho anh.
- Cám ơn lòng tốt của anh, tôi không sao cả. Viên đá tuy to, nhưng lưng tôi cũng khá cứng. Lòng tốt của anh làm tôi cảm động và thẹn thùng vô cùng.
Rùa từ từ bò lên khỏi mặt nước.
Khỉ cũng tuột xuống khỏi cây. Khỉ đến gần Rùa thân mật hỏi:
- Anh thật không sao cả phải không?
Quan sát Rùa thật kỹ lưỡng rồi Khỉ cười nói:
- Thấy anh an lành tôi mới an tâm. À mà chị nhà đau ra sao? Bịnh gì vậy anh?
Rùa kể rõ căn bịnh của vợ mình, nghe xong Khỉ nói:
- Không sao đâu, anh đừng lo, tôi biết có thứ lá cây này trị bịnh đó hay lắm để tôi hái, rồi anh chở tôi đi trị bịnh cho chị.Anh chờ tôi một tí. Khỉ chuyền cây một lúc trở lại với một nắm lá.
Nào chúng ta cùng đi.
Lại cái màn Rùa chở Khỉ, nhưng lần này lòng dạ hai đàng khác hẳn, không còn rắp tâm hại nhau, mà lại thông cảm thích giúp đỡ nhau.Với lòng chân thật và mến thương vô hạn. Thật khác xa tâm địa xấu xa lúc ban đầu. Mỗi đàng đều im lặng đeo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Một lúc Khỉ bỗng nói:
- Trong rừng của chúng ta dạo này có một vị Tăng đến ở tu. Những đêm trăng sáng Ngài thường hay thuyết pháp, anh có đi nghe không?
- Tôi thường hay đi nghe lắm, nhưng buồn quá anh ơi! Nghe giảng hoài mà sao tâm tánh vẫn còn mê mờ, chưa sửa đổi được gì nhiềucả. Cũng vẫn ích kỷ, nhỏ nhen, cũng vẫn hẹp hòi đố kỵ, thấy ai hơn thì ganh tỵ, thấy ai thua thì khinh khi. Chúng ta đối với Thầy thì tỏ ra kính mến còn đối với nhau thì chẳng ra gì. Trước mặt Thầy chúng ta chào hỏi nhau xem như chừng lưu luyến lắm, còn sau lưng Thầy thì ghét nhau như chó với mèo.
Tôi cũng nhận thấy như anh, chúng ta còn xa đạo không biết bao nhiêu cây số. Anh biết bây giờ tôi nghĩ gì không? Tôi nghĩ đến câu Thầy giảng hôm rằm: "Tâm dục vọng chỉ để dối gạt, trái nghịch với đạo.Người vào đạo phải dùng tâm đoan chánh, ngay thẳng làm gốc”. (Kinh Di Giáo). Vậy mà chúng ta làm trái ngược, dùng tâm dối trá, gian ác để đối xử nhau,nên mới sanh chuyện. Mà cũng lỗi tại tôi có tâm khinh người, thấy anh chậm chạp, nên nhăn nhó trêu chọc.
- Cũng lỗi tại tôi thấy anh nhanh nhẹn khôn ngoan nêntôi sanh tâm đố kỵ, thấy anh trêu chọc sanh tâm thù ghét, cố chấp mong códịp trả thù. May là là chúng ta đã dừng lại kịp thời, nếu không thì "Ácdo tâm sanh, trở lại hại tâm, như sắt hay sanh sét, sét lại tiêusắt” (Kinh Bột). Khỉ gật đầu nói:
- Thật đúng: "Nói ác, mắng chửi, kiêu căng, khinhngười. Các điều ác ấy khởi ra là ganh ghét, oán hận sanh ngay. Nói lời khiêm tốn, tôn kính, bỏ oán, nhẫn ác là ganh ghét, oán hận tự dứt. Là người  sanh ở đời, cái búa tại trong miệng sở dĩ giết thân cũng như lời nóidữ”. (Kinh Pháp Cú). Mãi bàn luận, mấy chốc cả hai về đến hang Rùa.Khỉ trổ tài làm lương y. Uống thuốc Khỉ cho chẳng bao lâu chị Rùa cảm thấy khoẻ khoắn và từ từ khỏi bịnh. Trước khi ra về Khỉ căn dặn:
- Anh chị nhớ  tối hôm nay đi nghe giảng nghe. Chúng ta cố đi nghe để sửa đổi tâm tánh, theo thiện, bỏ ác. "Công đức nghe pháp được ra khỏi sanh tử” đó anh ơi! Anh chị nhớ đi đúng giờ, đừng đi trễ có lỗi, nhớ chờ tôi dưới gốc mai vàng nhé!
Nói xong Khỉ  nghiêng mình chào chị Rùa, vị chủ nhà chậm chạp trả lễ và không quên cảm tạ ơn chữa bịnh của khách. Xong đâu đấy. Rùa chở Khỉ thong thả bơi đi. Ðến mé rừng, Khỉ nhảy vội lên bờ, hái một cành mai nhỏ thật đẹp đưa cho Rùa và nói:
- Nhân dịp xuân về tôi xin biếu chị ở nhà và cầu chúc anh chị một mùa xuân hạnh phúc.
Rùa ngậm cành mai vàng, chào anh bạn quý rồi sung sướng bơi đi…
Bảo Liên

Lấy từ bi thắng nóng giận
Lấy hiền lành thắng hung dữ
Lấy bố thí thắng xan tham
Lấy chân thật thắng ngoa ngụy.

1 nhận xét:

  1. Câu chuyện cũ nhưng giá trị của nó không bao giờ cũ cả .ai cũng lo tu nhân tích đức thì xã hội được nhờ nhất là người có chức -quyền.

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]