Lại nói chiến dịch đào phòng tuyến chống quân xâm lược phương bắc.
Sau thời gian đào phòng tuyến trên các sườn núi bạt ngàn rừng hồi ở Bình Gia, chúng tôi lại hành quân tiếp lên Khánh Khê cũng cùng một nhiệm vụ như vậy.
Về công việc hàng ngày, về ăn uống sinh hoạt chắc chẳng có nhiều để nói. Vẫn ở trọ trong những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, vẫn sáng vác cuốc lên núi, chiều về nghỉ ngơi. Tuy nhiênđến lúc này, khả năng đối đầu quân sự giữa Việt nam và Trung Quốc dường như đã dịu đi nhiều. Vì thế chúng tôi đã có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn và cũng vì thế chúng tôi đã có thể đi đây đi đó để ngắm cảnh núi rừng, để gặp gỡ, chuyện trò với bà con địa phương.
Cây cầu khánh khê ngay gần chỗ chúng tôi tập kết, được bộ đội ta đánh sập để ngăn bước tiến của quân Trung Quốc xâm lược. Mùa này nước cạn, lòng sông trơ ra những tảng đá nhỏ to đủ cỡ. Chúng tôi rủ nhau lội xuống sông trèo trên những tảng đá đó. Lác đác chúng tôi còn nhìn thấy những gói gạo ăn liền của lính Trung Quốc còn rớt lai. Cứ lang thang trên bãi đá giữa dòng sông, bỗng có đứa kêu lên, ở đây có cái xác quân tầu cộng chúng mày ơi. Cả bọn xúm lại xem, một thân thể nhìn như hình nộm trong bộ quân phục Trung Quốc còn rất mới, rất đẹp nhưng lỗ chỗ vết đạn bắn. Duy cái dây lưng còn nguyên vẹn. Không nhớ chính xác, trong đám chúng tôi, có một cậu sinh viên đã cúi xuống gỡ cái dây lưng đó ra để lấy dùng. Bây giờ nghĩ thì sợ chứ hồi ấy nghèo đói, thiếu thốn nên cái dây lưng ấy được coi là của quý hiếm, hiếm đến quên cả sợ
Cây cầu Khánh Khê ngày ấy bây giờ bị bỏ hoang |
Rồi chúng tôi lại kéo nhau lên vạt rừng ngay bên bờ sông phía bắc. Phía này quân Trung Quốc đã chiếm giữ. Lại tìm thấy một cái xác nữa. Một tên Trung Quốc trúng đạn ngồi dưới cái hố nông dựa vào gốc cây mà chết. Chắc nắng gió nên cái thây này đã bị thối rữa, cái đầu nửa xương, nửa thịt cùng với chiếc mũ cối đã rơi xuống một bên hông, cái thân trơ ra những đầu xương lùng bùng trong bộ quân phục chi chít vết đạn. Không hốt hoảng, nhưng tất cả chúng tôi đều có cảm giác kinh tởm pha lẫn thương hại. Chiến tranh thật tàn ác...
Một chuyện nữa, kể ra cũng thấy kỳ cục, nhưng thôi cứ kể, sự thật được bao nhiêu phần trăm cũng chẳng dám chắc.
Trọ trong nhà dân, hỏi chủ nhà mua gà vịt để cải thiện thêm bữa ăn, họ nói hết sạch rồi, chết hết rồi. Hỏi thêm thế lính Trung Quốc bắt thịt hết rồi à, họ nói không, bộ đội đấy. Rồi họ chỉ ra cánh đồng, đây đó có những đống xương trâu, xương bò còn vương vãi. hỏi mãi họ mới nói. Khi quân Trung Quốc đánh đến nơi, họ bỏ nhà cửa chạy vào rừng. Lính TQ thu gom gia súc vào chuồng, chăm nuôi cẩn thận lắm. Nhưng khi TQ rút về, bộ đội ta thay thế lại thả chúng ra, rồi vì thiếu ăn hay sao mà gà vịt cứ giết dần, còn trâu bò thì bắn chết xẻo lấy thịt ngon thôi, xương còn ở ngoài ruộng kia kìa. Tại sao chạy vào rừng mà lại biết cái bộ đội nó bắn trâu bò. Biết chứ, chạy vào rừng, nhưng ngày nào cũng về xem xét cửa nhà chứ... Chịu không biết có nên tin hay không...
Thật không ngờ, hôm nay 20 tháng 7 năm 2015, thật cũng là tình cơ thôi, anh em chúng tôi lại có dịp đi qua cầu Khánh khê. Cây cầu mới khang trang đẹp đẽ hơn nhiều. nhưng cây cầu cũ cùng những kỷ niệm vẫn còn đó. Bồi hồi, chúng tôi cùng chụp ảnh cùng nhớ lại những ngày vừa vui vừa buồn ấy. ÔI lịch sử thật phức tạp. Chỉ có tình yêu con người là mãi mãi chẳng đổi thay...
Cầu Khánh Khê mới, thật đẹp, thật nên thơ |
Cầu Khánh Khê mới, một góc nhìn |
Thật súc động tôi lại đến đây sau gần 40 năm. |
Rất xúc động khi còn được sống . Nay trở lại thăm nơi một mất một còn . Ôi ! Chiến tranh, những kẻ điên cuồng bắt chúng sinh phải thiệt mạng .
Trả lờiXóaOng Quang à tôi với ông còn có ảnh chụp tại cầu Khánh khê cùng anh Bài và ông Quỳnh tài vụ năm 1979 rất tiếc tôi đánh mất năm 1980 ông thử tìm xem đăng lên để so sánh hay hơn. tôi sẽ gửi cho ông danh sách lớp K8A nhập học năm 1972 theo trí nhớ của tôi
Trả lờiXóaOk, Đạo xem gửi cho Quang cái danh sách lớp nhé. Còn mình cũng đã có ý tìm lại số ảnh chụp ở Bình Gia và Khánh Khê hồi đó nhưng chưa thực hiện được.
Trả lờiXóa