Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

TRỞ LẠI BÌNH GIA

Quang K8
K8, K9 và cả K10 nữa, không có nhiều người được tham gia đâu, chỉ những ai ở lại trường thôi. nhưng K11, K12 thì nhiều. Đấy là vào tháng 4, tháng 5 năm 1979. Sau khi cuộc chiến biên giới đánh quân Tàu xâm lược tạm ngưng. Cuộc động viên các lực lượng thanh niên lên miền núi phía Bắc "đào phòng tuyến" rầm rộ. trong đó có rất nhiều giáo viên trẻ và sinh viên các trường đại học. Trường ta, Đại Học Cơ Điện Thái Nguyên cũng nằm trong số đó.
Đợt ấy tôi được biên chế trong trung đội giáo viên, khoảng hơn hai chục người. Giai đoạn đầu đoàn quân Cơ Điện, có mấy cô sinh viên trung cấp Y Thái Nguyên đi cùng với vai trò Y tế, kéo nhau lên Bình Gia, một huyện miền núi thuộc tỉnh Lạng Sơn. Đến đâu cũng phải ở trọ nhà dân thôi, cả nấu nướng ăn uống và những sinh hoạt thường nhật khác cũng phải dựa vào dân. Trung đội giáo viên chúng tôi chia làm hai tiểu đội, trọ ở hai ngôi nhà sàn người dân tộc Tày. Tôi vẫn còn nhớ, tiểu đội 1 trọ nhà một bà thày mo, trong nhà có một gian lễ treo rất nhiều cờ quạt và đồ đạc khánh lễ đỏ vàng rực rỡ. Mới vào cũng hơi ơn ớn, nhưng rồi cũng quen. Tuyệt vời hơn trong nhà bà còn có một cô con gái, năm ấy cô đang học Đại học Sư phạm Việt Bắc ở Thái Nguyên. Một cô sinh viên sư phạm người Tày trắng trẻo mũm mĩm tíu tít, mừng ra mặt khi có các chàng Cơ Điện đến trọ nhà. Tiểu đội 2 chúng tôi trọ trong một nhà kế bên, chủ nhà là một bà già góa người Tày trác 50 tuổi. Bà rất hiền và quý mến "bộ đội". Ngay sáng sớm hôm đầu tiên ở nhà bà, anh em vừa thức dậy bà đã gặp và bảo, "các con có cái gì không giữ cẩn thận để con mèo của mạ nó ăn vụng nhai kèn kẹt suốt đêm. Ờ mà lạ quá mạ đốt đèn soi tìm mà chẳng thấy nó đâu". Ngơ ngẩn một hồi mọi người mới vỡ lẽ, "không phải đâu mạ, thằng này nó nghiến răng đấy, đêm nào cũng vậy, mạ kệ nó". "Ai dà, thế thì con mèo nó sợ nó chạy đi mất rồi, nhưng thôi khi nào nó quen nó lại về thôi". Các bạn có biết cái ông nghiến răng ấy là ai không? Ông Phạm Minh Đạo cựu sinh viên K8 đấy. Chắc ở tuổi 60 này ông ấy còn nghiến nhiều hơn. Đời nó cay nghiệt quá mà.

Cái bản Phai Danh với những mái nhà sàn ngày xưa, lác đác đã có những ngôi nhà xây...

Thời gian ở đây, cứ ban ngày chúng tôi lên núi, trong những cánh rừng hồi để đào công sự, trưa ăn cơm tại chỗ, chiều về nhà sàn nghỉ ngơi rồi cũng tự nấu nướng mà ăn. Để có được bữa cơm tươm tất ngoài tiền do cấp trên cung cấp theo tiêu chuẩn, các "bộ đội không chuyên" chúng tôi lại tự xoay sở thôi. Phần lớn là mang tiền nhà đi góp chung, mua thêm thực phẩm hay gia súc của đồng bào.
Ông con trai bà chủ nhà trọ, chắc cũng chỉ hơn chúng tôi vài tuổi. Ông rất thích được làm quen và trò chuyện với anh em trí thức. Suốt ngày đi làm, tối về mới gặp nhau. Cơm nước xong ông lại rủ chúng tôi lên hồ phia sau nhà đi đánh cá. Tôi nhớ vòng sau nhà, leo lên dốc đi chừng dăm trăm mét có một cái hồ rất to. Vì chỉ lên hồ vào ban tối nên cũng chẳng biết nó đẹp hay không, chỉ biết mối lần đi như vây ông lại bắt được hàng thùng cá và sẻ cho chúng tôi quá nửa để cải thiện bữa ăn. Nhưng chúng tôi cũng biết đấy là đánh cá trộm. Vì thế có cá ăn, sướng lắm nhưng không dám nói. Cứ lẳng lặng mà ăn mà sướng thôi. Cả cái thằng con trai của ông chủ nhà cũng vậy. nó chừng hơn 1 tuổi, suốt ngày lỳ lỳ. Chúng tôi hỏi gì nó cũng trả lời "ná đơ". Lúc đầu tôi bảo mọi người "ơ thằng bé này nó biết nói tiếng Nga này", tiếng nga "ná đơ" là "cần thiết" mà. Sau hỏi ra mới biết tiếng Tày "ná đơ" nghĩa là "không đâu"

Hồ Phai Danh nơi mà gần 40 năm về trước chúng tôi đã cùng với ông chủ nhà đi đánh cá trộm
Còn một chuyện nữa, một buổi sáng thức dậy, mọi người còn đang nấn ná nằm thêm chút nữa, ngửa mặt nhìn lên mái nhà, phát hiện ra một búi giấy hoa văn vàng vàng dắt trên chỗ đầu cột. "Mạ ơi cái gì như tiền mà lại để trên mái nhà thế này, mà nhiều quá?" "Ừ, tiền đấy, tiền Đông Dương cũ đấy, bây giờ không tiêu được đâu, bỏ nó đi đấy, nhưng tiếc quá nên cứ để nó đấy thôi" "Cho chúng con chơi được không?" "Được, cứ lấy hết đi" Thế là chúng tôi lấy xuống chia nhau mỗi người ít tờ làm kỉ niệm. Tôi giữ mãi trong ví, nhưng lâu rồi không biết có còn không.
Còn nhiều lằm, cứ ngồi nghĩ là biết bao kỉ niệm vui buồn lại hiện ra...
Hôm rồi, 19 tháng 7 trong chuyến picnic cùng bạn bè qua đất Bình Gia, chúng tôi Quang K8 và Cường K7 về K11 là hai người có mặt trong đợt đào phòng tuyến ấy đã quyết định tìm về cái hồ đầy kí ức ngày xưa để xem có còn tìm lại được gì trong trí nhớ của mình.
Tuyệt vời, tuyệt vời lắm, đất trời đã đổi thay nhiều, con đường đất ngày xưa, lũ trẻ trong bản cứ phải đi cà kheo mỗi khi trời mưa ấy, nay đã thành đường trải nhựa, Những mái nhà sàn 40, 50 năm về trước còn đó, cũ rách, siêu vẹo. Nhưng lác đác cũng đã xuất hiện những ngôi nhà xây khang trang hơn bên cạnh. Những đứa trẻ vẫn cởi truồng ngơ ngác nhưng đỡ rách rưới hơn. Khi hỏi thăm chúng, chúng cười và trả lời bằng tiếng kinh, không "ná đơ" như trước nữa.
Có một "bà già" thấy chúng tôi vác máy ảnh vào tận cổng nhà để chụp ảnh, vửa ngạc nhiên vừa cảnh giác hỏi "Các bác làm gì đấy?". Sau một hồi trò chuyện bà bảo "Hối ấy tôi còn trẻ lắm mười mấy tuổi thôi, tôi có nhớ chứ, các anh ấy đào giao thông hào trên núi kia kìa, lâu lắm rồi" Thời gian chưa cho phép, chưa dám nói hết ra với bà, nhưng trong lòng tôi thấy vui lắm. Thế là mình đã đặt chân lại đúng cái chỗ mà cách đây gần 40 năm mình đã đến, đã cùng đồng đội đào công sự để phòng chống quân xâm lược phương Bắc, đã cùng ông con trai bà chủ nhà lên hồ đánh cá trộm về cải thiện bữa ăn hàng ngày, đã cùng.... Nhiều kỷ niệm lắm.
Tôi đang ước một ngày gần đây, rủ được vài ba người đã có thời gian đào phòng tuyến với tôi ở đấy, quay lại Bình Gia, quay lại cái bản có cái hồ Phai Danh (tên hồ đấy) với một sự chuẩn bị tốt hơn để thăm lại lần nữa...


Trên trạm canh hồ Phai Ra bản Phai Ra huyện Bình Gia.

Hồ Phai Ra thơ mông trên đất Bình Gia Lạng Sơn



Những ngôi nhà sàn của bốn, năm mươi năm về trước vẫn còn đó

Lác đác cũng đã xuất hiện nhũng ngôi nhà xây khang trang hơn

Những người cùng thế hệ chúng ta đấy.

Đình Phai Ra gần chợ Bình Gia đây này.


1 nhận xét:

  1. Chúc mừng Quang và các Bạn có một chuyến đi ý nghĩa tôi không đi được vì vướng việc của hội Cơ Điện HANOi .quang lưu ý giúp cho cái danh sách K8 nhập học 1972 nhé .

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]