Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

CHUYỆN VỀ BÔNG HOA PƠ LANG



LUÂN K5
     Chuyện thì buồn . Nhưng chuyện buồn đâu phải không nên kể . Có khi kể ra rồi lòng thấy thảnh thơi hoá vui hơn . Chuyện tôi kể về hoa Pơ lang này là như thế .


        
      Bà bác sĩ ấy về hưu rồi . Cùng tổ dân phố lại sinh hoạt hội CCb phường với tôi. Mấy đứa con công tác và cư ngụ tít trời nam. Bà bảo hai vợ chồng son ngủ ít nên đi bộ ngoài hồ Hoàng cầu thì nhiều. Mấy ngày nay nắng nóng quá. Mấy gốc phượng vĩ ngoài hồ chật người ngồi trà đá, râm ran chuyện hội nghị Campuchia không ra được thông cáo. Bà nói với tôi anh cũng là lính B3 nên tôi kể, chuyện một thời của lính của tuổi trẻ của B3 mà thôi. Nhìn bà, mái tóc bạc nhuộm lại và rất nét na. Hiểu ra người bác sĩ ở trong rừng thời xưa ấy xinh phải biết.
..... “Đánh Kon tum ác liệt quá, tháng tư ta thắng, tháng 5 thấy chững lại rồi cuối tháng ... mình yếu ... rồi rút. Chúng tôi đón thương binh về toàn là anh em bị thương mấy ngày rồi . Mùa mưa Tây nguyên lại bắt đầu ... các vết thương có ròi đến nhanh
Thương binh chết trên tay chúng tôi , thương binh đưa đến đội điều trị đã chết, thương binh nằm chờ đến lượt phẫu của mình thì chết. Con gái chân yếu tay mềm chúng tôi chỉ biết khóc, chỉ biết vuốt ve nắm chân tay các anh muốn truyền hơi ấm yêu thương của đồng đội tới nhau để thêm chút hi vọng sống. Các anh cũng biết, có người tắt thở rồi vẫn nhìn chúng tôi như muốn chào tạm biệt, muốn nhắn gửi một nhời gì đó về quê với mẹ với người thân.
   Đầu mùa mưa, cuối mùa khô hoa Pơ lang xót lại lốm đốm đỏ. Đội điều trị ở một cánh rừng  có mấy cây gạo to. Nó cao vượt lên hẳn những ngọn lồ ô xanh mướt mát. Lá thì ít mà hoa thì nhiều. Sao cái loài cây này nó không sống cho nó, nó cứ sống cho thiên nhiên nhiều hơn. Ngay cả vào mùa mưa lá nó cũng ít , dường như nó hút tinh tuý cao nguyên chỉ để vắt kiệt máu mình vào màu đỏ của hoa, vào những cánh hoa mỡ màng dầy dạn như những cánh diều hồng như máu ? Còn chính thân nó thì khẳng khiu khô khốc những gai mốc thếch giữa nắng và gió .

      Đội điều trị có một thương binh ở đoàn Đồng Bằng . Anh ấy quê xứ Đoài . Trung đội trưởng bắn DKZ . Mấy ngày đầu anh ấy nặng tai lắm. Cái vết thương thì xoàng thôi nên rất nhanh bình phục. Anh ấy nhao xuống giúp y tá chúng tôi đủ việc, mà việc nào anh ấy cũng tỏ vẻ như rất biết nghề. Anh cười hì hì , rằng bố anh là y tá ở trạm xá quê nhà . Mấy việc đun nước , tiêm chọc anh ấy biết cả, anh ấy còn khuyên chúng tôi nên trồng thuốc nam nữa . 
     Anh ấy đi cải thiện thức ăn cho thương binh, chui vào các lán bón cơm đút cháo cho đồng đội . Tối anh ấy dậy bọn tôi hát . mà anh ấy hát hay lăm cơ. Con trai xứ Đoài tốt nghiệp cấp 3, không nhận giấy đi học nước ngoài mà nhận giấy nhập ngũ. Đã bốn năm theo đơn vị từ Quảng Trị, đường chín Nam lào nay lại vào Tây nguyên ... Tôi không thể nhớ hết chúng tôi đã nói chuyện gì với nhau ngày ấy. Nhưng mỗi chiều anh ấy đợi tôi xuống tiêm, thay băng cho thương binh để tặng tôi một cái cố giã gạo làm bằng ống lồ ô xinh xắn, anh ấy làm cái tượng cô gái TN đeo gùi bằng gốc nứa sao mà đẹp thế . ..
      Một chiều, tôi đến sau lưng anh mà anh không biết. Anh nhặt ở đâu về rất nhiều bông Pơ lang. Anh lấy từng cánh hoa đỏ như máu xếp thành một cái tên, không ! mà là hai cái tên. Hà - Hồng. Tôi sững lại, anh xếp tên anh và tên tôi với nhau. Anh cười, anh có vẻ vui lắm  và bỗng giật mình khi thấy có người đến gần anh xoá vội dòng chữ đỏ hồng đi nhưng chỉ  mất chữ Hà còn lại nguyên chữ Hồng. Anh như đứa trẻ biết lỗi, tôi cũng đứng bên anh im lặng như mình có lỗi . Mùa mưa Tây Nguyên năm 1972 quá nhiều bom đạn, nhiều mất mát và cũng thật nhiều kỉ niệm với tôi .
   Anh về đơn vị chiến đấu. Tôi và anh nhìn nhau chia tay tận ngoài bờ suối. Anh đi như chạy, anh nói xin lỗi tôi. Mà anh làm gì có lỗi. Hoa Pơ lang cứ đỏ, cứ là cái màu máu vốn có của nó. Chúng tôi rất trẻ và chúng tôi khao khát yêu, khao khát thịt da như cuộc sống phải được yêu. Chúng tôi nuốt nước mắt vào lòng mà ao ước … để yêu .
.... Chua xót lắm anh ạ. Năm 1974 tôi lại gặp anh nhưng anh chả nhận ra tôi nữa. Anh bị thương sọ não ở đường 19 gần đoạn Thánh Giáo. Sau gần hai tháng mổ điều trị anh tỉnh và không nhận ra mình nữa. Anh cười ngô nghê:  Bắt tay đồng chí. Đồng chí có chồng chưa? đồng chí có hay về Sơn tây không ? rồi à à ..ờ ờ quê tôi ở gần sông Hồng đồng chí ạ . Sơn Tây nước đục người thanh … hì hì. Có lúc lặng lẽ một mình, hình như anh rất tỉnh, thấy anh lủng bủng …tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm …em có bao giờ em nhớ thương. Trời ! anh đọc thơ Quang Dũng. Đêm ấy tôi   không ngủ nghĩ miên man mà thương những người con trai  làm lính.


Một chiều, tôi xuống lán anh. Nhiều ngày nay tôi nhìn anh từ xa, tôi nhìn người bạn tôi hai năm trước bừng bừng khí thế. Bấy giờ anh là một Đại đội trưởng nhưng không còn nhận ra tôi. Thật bất ngờ anh ấy ngồi bên một đống hoa Pơ lang xé từng cánh hoa xếp chữ HỒNG ngay ngắn. Thấy tôi anh cười nhỏn nhoẻn, chào đồng chí đồng chí thấy tôi sếp chữ đẹp không? tôi sếp chữ Đờ rát  sờ tờ  vui che đấy. Chào đồng chí !

Tôi vụt chạy, tới gốc cây Pơ Lang tôi ôm mặt khóc, khóc như ngày tôi đi tòng quân nhớ mẹ. Một bông pơ lang rơi ngay dưới chân tôi. Tôi nhặt lên giữ chặt nó trong tay, tôi giữ mãi ...giữ mãi ...”

    Bà bác sĩ ngồi nhìn ra hồ Hoàng Cầu. Mấy cái trụ đường sắt trên cao xây dở đứng chòi lòi giữa mặt hồ . Mấy ngọn sắt nhô lên trên trụ cầu có mấy con chim sẻ đậu im lìm như mấy nốt mụn ruồi ...Bà kể tiếp......” Rồi vài ngày sau anh ấy đi, người ta đưa anh ấy về hậu phương. Anh ấy lại chào các đồng chí. Trong cóc ba lô của anh ấy có vài bông hoa đỏ chói lói lấp ló. Anh ấy ngoái lại vừa cười thật hiền với tôi và những người ở đội điều trị. Tây nguyên lùi lại sau với anh. Còn tôi từ lúc ấy Tây nguyên nặng nề và day dứt.   

     Cách nay chừng mươi  năm , một lần đoàn cán bộ sở Y tế thành phố về chống dịch một xã ven sông sau trận lụt. Chợt nhớ ra cái tên xã rất quen. Tôi mò mẫm vào làng. Bãi sông sau đận lũ, nước và phù sa ong óng vàng trên cây trên cỏ trên vườn. Gặp lũ trẻ chăn trâu tôi hỏi : Cháu biết nhà bác Hà thương binh không ? 

Lũ nhóc nhao nhao có có. Tôi mừng quá. Hơi thở dồn dập. Ở đâu hả cháu ?

Chúng nó chững lại, bác ơi ông Hà Hồng ấy chết rồi, chết hơn năm rồi. Thế bác biết ông Hà à ? ông y hay lấy hoa gạo ngoài bờ sông về ngồi xếp chữ Hồng rồi khóc rồi lại cười ngộ lắm bác ạ. Tôi cứ im lặng, tôi quên mất lũ trẻ đang bu quanh tôi, tôi khóc, tôi không nhận ra, không lí giải được thế nào là tình yêu nữa. Tôi không nhận ra tôi một chiến sĩ Tây nguyên nữa ... tôi cố hình dung ra anh, người lính gầy gò nô nghê ngồi trên bãi sông hồng nhặt từng cánh hoa Pơ lang ( hoa gạo ) lặng lẽ kết hình tên tôi. Có phải tên tôi không ? 



Bà bác sĩ quay sang tôi :

-   Không biết anh có nghĩ như tôi không ? Tôi lúc nào cũng thấy hoa Pơ lang là lửa. Còn những cánh hoa Pơ lang màu máu .

16/7/2012 Hoàng Cầu NTL


9 nhận xét:

  1. Ôi chúng ta còn may mắn làm sao khi trở về còn mạnh khỏe,còn có gia đình thân yêu.Nhưng người lính Hà Hồng ấy vân vui lòng ra đi bởi có hoa Lơ Lang kia đỏ như máu theo xuống suối vàng

    Trả lờiXóa
  2. Ai bảo đây là chuyện buồn ? Đây là câu chuyện tình lãng mạn và thực sự thấm đẫm tình cảm của người lính .Tôi không tin anh Hà không nhận ra chị Hồng sau mấy lần giáp mặt .
    Bác Luân đen ơi !
    Lần sau đừng xây dựng hình tượng người đàn bà vô tình như thế nữa , nó cay nghiệt và nghiệt ngã quá làm người lính bị tổn thương ( mặc dù cuộc sống đời thường còn khủng khiếp hơn nhiều ).
    Sau chiến tranh có bao người lính " điên tình " như anh Hà ?!

    Trả lờiXóa
  3. luan sư đoàn 320ATNlúc 13:25 21 tháng 3, 2013

    Cám ơn chú Tiều lắm lắm . Anh Luân thì cho rằng : còm còn khó hơn viết đấy . Hiểu tác giả thế thì bái chú / Thân mến Luân

    Trả lờiXóa
  4. Bác cả lại quá khen rồi , thằng em chẳng dám nhận đâu .

    Trả lờiXóa
  5. Đây có phải là một mối tình, hay chỉ là tình yêu đơn phương?
    Khoan hãy khẳng định. Tôi đã từng có thời làm lính, đã từng có những người bạn là lính, lính xịn, lính có thâm niên hẳn hoi, .Và tôi cũng rất ham nghe tiết mục "Kể chuyện đêm khuya" trên Đài Tiếng Nói Việt Nam. Đặc biệt sau khi chiến tranh kết thúc, người ta đọc rặt những chuyện tình của lính. Nếu bạn cũng như tôi, tôi tin rằng bạn sẽ không phủ định, Tình của lính luôn rực lửa như màu đỏ của hoa Pơ lang. Họ yêu bằng cả trái tim, họ yêu bằng cả khối óc và họ yêu bằng tất cả những gì họ có, mặc dù những cái lính có thật khiêm tốn, nhưng chính đấy mới là sự cao cả và thiêng liêng.
    Tuy nhiên có một thực tế nghiệt ngã là, đáp lại cái cao cả, thiêng liêng ấy, lính ta thường chỉ được nhận lại những mất mát, những đắng cay. Một lần nữa, những mất mát đắng cay ấy lại tôn thêm lên cái cao cả, thiêng liêng của tình yêu Lính.
    Đấy là nói chung. Còn trong câu chuyện trên ai bảo đấy là tình yêu đơn phương. Này nhé, khi người con gái bác sỹ "tình cờ" nhìn thấy người thương binh ngồi xếp những cánh pơ lang đỏ rực thành hai chữ "Hà - Hồng", cô vụt bỏ chạy tới gốc pơ lang ôm mặt khóc, khóc như hồi mới tòng quân nhớ mẹ...Xin được hỏi cái tình mà lai được so sánh với tình mẹ con, không phải tình yêu thì là cái gì??? Còn nữa, dù đã xa nhau lâu rồi - vì chiến tranh mà - bà bác sĩ vẫn nhớ cái tên làng quê của người thương binh thích chơi một mình với những cánh hoa pơ lang, để rồi trong một lần công tác bà đã tìm đến. Đấy không phải tình yêu là gì! Cuối cùng, khi đã về hưu, tưởng chừng người ta chỉ còn nghĩ đến cháu đến con. Vậy mà khi gặp một CCB trẻ hơn, Hồi ức về người thương binh với hai chữ "Hà - Hồng" được xếp bằng những cánh Pơ lang đỏ rực lại hiện về. Bà đã kể lại cho người CCB ấy câu chuyện riêng của bà.
    Đấy có phải là tình yêu không???
    Riêng tôi khẳng định, Câu chuyện trên nói về một mối tình rất đẹp của hai người lính. Vì những mất mát đau thương của chiến tranh mà họ đã không đến được với nhau. Và tôi cũng tin rằng, ở nơi chín suối người thương binh thích xếp chữ "Hà - Hồng" bằng cánh hoa Pơ Lang cũng thấy hạnh phúc hơn khi trên cõi đời cô bạn bác sĩ trong rừng trường sơn năm xưa vẫn nhớ đến ông.
    [img]https://encrypted-tbn2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQVNox0lqWodV1q84nKILZ-qF_q9dGTL2Zm1_ut1KPIHyrJ6hY1Xw[/img]

    Trả lờiXóa
  6. Nhanh nhẹn hoạt bát, tài hoa nhưng không dám thổ lộ với cô gái, chỉ ngồi lặng lẽ xếp chữ...sao có người lành đến vậy, lại là lính nữa? Khi chia tay về đơn vị chắc không dám hứa hẹn vì chẳng biết còn mất. Lúc tỉnh anh nhận ra nhưng không muốn ràng buộc cô gái mình yêu...Thật cao thượng!
    Lần sau bác Luân kể chuyện giọng khác đi, có hài hước cũng toàn chuyện buồn, nặng nề quá...Chiến tranh khốc liệt, mất mát lớn vậy nhưng những bài hát vẫn vui đấy thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi hoàn toàn nhất trí với anh Quang về đánh giá nhìn nhận tình Yêu Đẹp của anh lính Hà dành cho cô bs Hồng : Một tình yêu cao thượng , mãnh liệt ,rực lửa như hoa Pơ Lang ( Miền Bắc gọi là hoa gạo - Trung Quốc gọi là Mộc Miên hoa : Đã có một bài hát rất hay " Mộc Miên hoa " ca ngợi mối tình cao đẹp , sâu nặng rực cháy như Mộc Miên giữa Lưỡng quốc tướng Quân Nguyễn Bình và một cô gái Trung Hoa xinh đẹp .)
    Tôi không đồng tình vì Bác bênh sự vô tình đáng sợ của cô bs Hồng , tôi cho rằng lúc khốn cùng khó khăn trong cuộc sống là lúc người khốn cùng cần nhất sự sẻ chia . Cô bs Hồng đã không làm được gì cả , chính những giọt nước mắt muộn mằn quí giá đã nói lên điều đó .
    Cô bs không hề yêu , cô ta chỉ "Cảm" tấm chân tình sâu nặng của anh lính Hà mà day dứt , dằn vặt thôi , đùng lẫn lộn giữa Cảm và Yêu mặc dù giới hạn nó rất mong manh.
    Nhưng thật đáng Yêu một chàng trai Xứ Đoài .

    Trả lờiXóa
  8. Phân tích như Tiều phu là hoàn toàn hợp lý và chính xác. Chuyện hay bác Luân đã không viết ra...

    Trả lờiXóa
  9. Hùng đầu bạclúc 09:05 4 tháng 4, 2013

    Lại không nhất trí với mr Tiều rùi.
    Cô Bs Hồng đã nói:"Chúng tôi rất trẻ và chúng tôi khao khát yêu, khao khát thịt da như cuộc sống phải được yêu. Chúng tôi nuốt nước mắt vào lòng mà ao ước … để yêu ".
    Như vậy là cô ấy cũng yêu chứ không phải chỉ cảm.
    Nhưng câu này lại nhất trí:"Tôi không đồng tình vì Bác bênh sự vô tình đáng sợ của cô bs Hồng, tôi cho rằng lúc khốn cùng khó khăn trong cuộc sống là lúc người khốn cùng cần nhất sự sẻ chia . Cô bs Hồng đã không làm được gì cả ..."
    Vẫn cảm phục cô BS Hồng đã tham gia cuộc chiến tranh khốc liệt, vẫn biết cô trân trọng tình cảm với người lính trẻ xứ Đoài... Nhưng (tiếc thôi, chứ không dám trách cô Bác sỹ), tại thời điểm mới gặp lại người lính đó; "Thật bất ngờ anh ấy ngồi bên một đống hoa Pơ lang xé từng cánh hoa xếp chữ HỒNG ngay ngắn.", nếu lúc ấy cô bs xếp thêm chữ HÀ bên cạnh chữ HỒNG... liệu có giúp được gì cho anh lính ấy không nhỉ???
    Nói vậy, không phải để trách cô bs Hồng, vì người con gái trong chiến tranh tuy kiên cường, dũng cảm đấy, nhưng cũng mong manh lắm...
    Câu chuyện rất hay, nhưng cái kết lại là câu: "tôi cố hình dung ra anh, người lính gầy gò nô nghê ngồi trên bãi sông hồng nhặt từng cánh hoa Pơ lang ( hoa gạo ) lặng lẽ kết hình tên tôi. Có phải tên tôi không ? ", theo Hb nghĩ, câu hỏi này làm xấu đi hình ảnh cô bs trong người đọc, theo câu chuyện đã kể, còn ai ngoài cô nữa mà cô vẫn nghi ngờ tình yêu của người lính xứ Đoài.
    Hùng đầu bạc

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]