Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

CHUYỆN VỀ K8MA - KỲ 3.


   Quang K8MA 
(Kỳ 3)
 Trong khoảng một năm học tập và sinh hoạt trong cái khu sơ tán ấy, tưởng chừng không có chuyện gì đặc biêt. Ấy thế mà lắm chuyện ra phết. Tôi lại xin kể tiếp với các bạn một câu chuyện về cái bếp ăn và những chuyện xung quanh việc ăn uống.
Hồi ấy mỗi lớp ở một khu đồi khác nhau và có bếp ăn riêng, gọi là bếp tự quản. Nhà trường cử xuống mỗi bếp 2 chị nuôi, giúp lớp nấu ăn. Tôi nhớ, một trong hai chị nuôi của lớp K8MA tên là Thành. Năm ấy chị  chừng 35 hay 40 gì đấy, người gày, hàm răng lúc nào cũng cười còn người thì trông lại khắc khổ. Nhưng quả thật chị khá vui vẻ và thương sinh viên. Còn công việc quản lý, mua bán thực phẩm hàng ngày lại do lớp cử người làm. Suốt một năm ấy, lớp K8MA cắt cử anh Hồng Sơn làm quản lí.
    Hàng ngày trước khi nấu ăn, anh Sơn lại mở kho, xuất gạo, thực phẩm cho các chị nuôi làm bữa. Mọi người hoặc lên lớp học hoặc tự học trong phòng ở … Đến giờ ăn, có kẻng gọi mọi người đến lấy cơm theo mâm về phòng ở mà ăn chứ cũng không có nhà ăn chung mà ngồi. Việc này lúc ấy là rất bình thường. Nhưng có những việc không bình thường mà không phải ai cũng biết. Là thế này. Mấy thằng ma mãnh chúng tôi, dân thành phố, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng… nghĩ ra trò làm thân với chị nuôi. Hồi ấy làm thân chỉ là chào hỏi ngoan ngoãn, kể lể đói khổ, thỉnh thoảng, mà ít lắm cái bánh, gói kẹo biếu chị, chứ không phải đút lót như bây giờ đâu. Thế là, không phải thường xuyên nhưng cũng nhiều lần, được các chị dúi cho mảng cháy giấu vào trong áo mang về cả phòng cùng ăn. Cháy hồi ấy sao mà ngon thế, ngon ghê gớm, nhưng sướng mà không dám kêu, chỉ lí nhí reo thầm thôi, sợ phòng bên nó biết. Phải bí mật chứ, phải bảo vệ cái “Hạnh phúc” riêng tư vĩ đại ấy chứ. Thế nhưng cái hạnh phúc ấy cũng chẳng được dài lâu.

chúng tôi đã mơ về một con lợn như thế này.
Vài tháng sau, theo chủ trương của nhà Trường, mỗi bếp ăn tự quản phải nuôi lơn.     Thế là một hôm, một chú lợn con chừng 10 kg được anh Sơn mang về. Chuồng đã có sẵn rồi, bây giờ chỉ cần thả lợn vào và chăm sóc nữa thôi. Hồi ấy cán bộ lớp từ tổ trưởng trở lên đều là các anh lớn tuổi, cán bộ đi học. Vì thế họ có nhiều kinh nghiệm lắm. Trong chuyện thả lợn vào chuồng cũng vậy. Không phải cứ tháo rỗng ra rồi dốc tuột con lợn vào chuồng đâu, phải làm phép rồi chọn giờ nhập chuồng hẳn hoi. Đặc biệt phải chọn người có vía tốt thả lợn không thì lợn nó bị sái.
    Hồi ấy lớp K8MA có một người khá đẫy đà. Đó là bạn  gái tên Phương, chúng tôi vẫn gọi đùa là Phi Phương. Tất nhiên là ban lãnh đạo lớp đã chọn bạn Phương làm cái việc thả lợn vào chuồng rồi.
    Sau khi thả lợn xong, mọi người vui lắm. Bạn cứ tưởng tượng khi nhà bạn mua một con thú cưng về nuôi, bạn vui thế nào thì chúng tôi lúc ấy vui như vậy. Cũng từ đấy, một sắc lệnh của ban lãnh đạo lớp được ban bố. Từ nay, tất cả cháy cơm cùng một số rau cỏ hàng ngày phải để dành cho nuôi lợn. Mọi người đều hưởng ứng một cách vui vẻ. Không hưởng ứng sao được, đây rõ ràng là một việc công ích rất thiết thực đấy chứ. Đồng thời tất cả chúng tôi, từ lãnh đạo lớp đến dân đen đều mơ về một ngày trên mâm cơm sẽ có những miếng thịt lợn cắn ngập răng. Ôi, sướng tê cả người!
Nhưng đây là thực tế
  Nhưng, sau bốn, năm tháng gì đấy, nhà trường có quyết định cho các lớp sơ tán quay về khu trường chính. Các dãy nhà lá, cái bếp ăn ọp ẹp bắt đầu bị phá hủy. Tất nhiên việc nuôi lợn cũng kết thúc. Con lợn cưng của chúng tôi được bắt ra làm thịt. Không tiếng cười, không tiếng reo hò, chỉ có vài người cứ lẳng lặng đi vào bắt, hình như con lợn cưng ấy cũng chẳng kêu ca gì nhiều. Có phải vì nó biết cái nghĩa vụ của nó là phải phục vụ những cái mồm đói khát của đám sinh viên K8MA hay là nó cũng chẳng còn muốn kéo dài cái cuộc sống lắt lay của nó nữa. Khi chúng tôi bắt con lợn lên để kiểm tra trước khi chọc tiết, con lợn nặng đúng 7 kg. Nghĩa là sau bốn, năm tháng con lợn tăng trưởng được âm ba kí. Thế là giấc mộng vàng bị tan vỡ.
    Tai sao vậy? đây là câu hỏi sau này ngồi vui kể lại mới có người hỏi. Chứ còn lúc bấy giờ chẳng có ai hỏi gì đâu, bởi vì ai cũng biết tai sao rồi.
    Từ khi có lợn,  quản lý nhà bếp, anh Sơn khá cần mẫn trong việc giữ cháy cơm và rau già cho lợn ăn, lúc đầu còn giữ được, nhưng chỉ ít ngày, xểnh ra là cháy cũng mất, đến lỗi mỗi bữa, anh Sơn phải trực tại chảo cơm, ngay sau khi các chị nuôi phát hết cơm, anh liền múc nước giếng đổ vào chảo cháy rồi khóa cửa bếp vào để dành cho lợn ăn bữa sáng. Thế nhưng sáng ra, cửa vẫn khóa, chảo vẫn đầy nước giếng mà cháy thì biến mất rồi. Những chú “lợn đầu đen” đói quá đã ăn vụng ăn trộm mất rồi còn đâu
    Vậy đấy, không phải cái vía của bạn Phi Phương không cho con lợn lớn đâu, mà vì sinh viên còn đói giã họng ra thì lấy gì cho lợn ăn cơ chứ!

3 nhận xét:

  1. Có lẽ phải đổi thứ tự của ca dao như sau :
    Học trò nay được đứng hàng trên
    Quỷ đói bậc hai nuột hận thèm
    Ma run khóc thét xin xếp cuối
    Lợn gà nhớn nhác...thế là tiêu

    Trả lờiXóa
  2. Ăn tranh của Lợn, nghe còn sạch chán. K6 còn có đoạn nuôi chó và sinh viên cũng ăn tranh của nó nữa kia! Hì...hì....

    Trả lờiXóa
  3. Trần Văn Thái K8MAlúc 09:45 30 tháng 3, 2013

    Nhân đọc hồi ức của các bác em nhớ lại cái thời phải ăn hạt mì hạt mạch. Hạt thì cứng, mình thì đói thành ra đưa vào mồm trệu trạo vài nhát rồi nuốt ực. Thế là đầu vào thế nào đầu ra "nguyễn y vân", chỉ bở các cô cậu cẩu. Thời ấy dân sinh viên không gầy gò mới là chuyện hiếm.
    Ở một trường đại học Y chắc do máu nghề nghiệp nên họ thấy lãng phí quá, tốn kém mà người vẫn gầy. Một đề tài NCKH ra đời: Làm sao nâng cao hiệu suất thu hồi chất dinh dưỡng của hạt mì hạt mạch khi con người ăn vào. Sau một thời gian nghiền ngẫm, một nhóm sinh viên đưa ra ý tưởng: Nối vào phía sau ruột già của người hệ tiêu hóa của chú cẩu.Không biết sau này ý tưởng này nó ra làm sao?

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]