Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

NGUYỄN TRỌNG LUÂN - VĂN CHƯƠNG VÀ TẤM LÒNG NGƯỜI CSV, CCB.


Anh Luân gửi bài nhân xem tấm ảnh nữ k10


TẤM ẢNH EM NGÀY XƯA



Các Em ngồi trên liếp cỏ 
Tựa vào mái trường đang lên 
Một thời khốn khó 
Giặc giã vừa tan 


Người chụp ảnh là bố của em 

Thương con gái học xa dặm trường trên mạn ngược 

Bạn bè quanh nhau làm nhành hoa không đơn độc 

Ôi cái thời con gái chẳng đủ no 

Cỏ rất xanh tóc các em rất xanh 

Trường của mình vạm vỡ trai áo trắng 

Bịn rịn sân trường guốc khua cửa lớp 

Anh xa rồi thương thế tiếng lanh canh 

Tấm ảnh mấy mươi năm còn lại đến bây giờ 

Nụ cười cũ chẳng mơ hồ dẫu thời gian vần vũ 

Thân con gái mười hai bến nước 

Anh trở về trường tìm một bến ngày xưa 



Tháng 3/13.


  
luan sư đoàn 320ATN  15:18 Ngày 24 tháng 3 năm 2013

Quà tặng của người lính trước lúc hi sinh 


Ghi chép của Nguyễn Trọng Luân 

    Tôi chưa từng nghe thấy chuyện tương tự như thế này ở đơn vị tôi hay đơn vị bạn những ngày tôi ở chiến trường Tây nguyên. Dù là người lính chiến đấu nhưng chưa từng phải nằm phẫu nên khó hình dung ra nổi. Chuyện được kể lại chính là người trong cuộc nên tôi cứ chép lại mà không ngần ngại. Hơn nữa tôi rất tin những người đồng đội đã từng đánh nhau ở chiến trường K này.


Cữ đó chắc 1981. Sau Giải phóng Nông pênh. Đây mới bắt đầu là chuỗi ngày gian khổ cho cuộc chiến ở cái đất Miên này. Ác liệt, thiếu thốn, dai dẳng. Kẻ địch thì như ma quỉ khiến chiến trường đã ác liệt lại càng ác liệt dai dẳng hơn. Thôi thì về chuyện chiến đấu ác liệt đã có anh em tham chiến kể nhiều và đang tiếp tục kể. Tôi Xin phép không nói tới ở đây.
    Đội điều trị sư đoàn rất nhiều nữ y tá làm việc căng thẳng không kém ngoài trận địa. Thương binh nhiều. Nước nôi thiếu, thức ăn cho thương binh khan hiếm. Họ phải làm đủ mọi việc của người quân y chiến trường lại còn làm cả việc đi kiếm thức ăn, đào giếng, khiêng nước và đặc biệt là chăm sóc thương binh. LÍnh Pôn pốt luôn rình mò tập kích khiến những người lính quân y cũng luôn ở trong tình trạng chiến đấu. Những người y tá sư đoàn vừa làm em, vừa làm chị vùa là đồng chí của những chiến sĩ bị thương về đây. Có những hôm thương binh đưa về nằm chật sân khu phẫu. Nhiều người đã chết trên đường chuyển thương. Có người tắt thở mà vẫn còn hơi ấm. Mấy nữ y tá vừa khóc vừa đặt tay lên mũi thương binh hi vọng đồng đội mình vẫn thở vẫn còn sống. Rồi cho dù biết là người đồng chí thân thể còn hơi ấm kia đã tắt thở họ vẫn đổ nước, bón thìa sữa, hà hơi hi vọng mong manh cho đồng đội mình sống lại. Đã có trường hợp bộ phận chính sách bị các nữ y tá níu lại không cho mang xác tử sĩ đi vì họ tin là những người đó sẽ sống . Mười tám, hai mươi tuổi vừa rời xa cha mẹ ,vừa rời trường phổ thông TH ở Sài Gòn. THế mà những người con gái kia đang làm thiên chức hai hay ba trong một 


Sống liên tục hàng mấy năm trời trong tình trạng chỉ tiếp xúc với đau đớn chết chóc, mổ xẻ máu mê . Tiếp xúc và nhìn thấy hàng ngày đồng đội của mình xắp tắt thở. Những người lính quân y tiền phương phải có lòng nhân hậu lớn lao và khối thần kinh thép . Nhưng với những thương binh thì các cô gái kia là thiên thần áo trắng, là sự dịu dàng mang hình bóng người em người chị người mẹ ở quê hương.


    Người nữ y tá bây giờ đã ngoài năm mươi tuổi nghẹn ngào lau nước mắt kể: Chiều hôm ấy, không khí đội điều trị im lặng thế. Một chiến sĩ chừng ngoài hai mươi tuổi khe khẽ gọi tôi. Em ơi ! Tôi ngạc nhiên vì qui định ở đội điều trị chỉ được gọi các thầy thuốc là đồng chí. Tôi bảo, sao lại là em ? tôi là đồng chí.

Người thương binh ấy nhẹ nhàng: không. Tôi gọi em là em. Em lại đây anh nói với em điều hệ trọng. 


Trong dáng chiều thê lương ở miền đất lạ này nghe những lời như thế tôi bỗng giật mình, trong tôi như có một linh tính xấu. Tôi ngồi xuống bên người thương binh ấy.
...Anh không biết tên em. Cũng không biết quê em ở đâu. Nhưng tất cả các em gái y tá ở đây đều là người đáng yêu và khâm phục ... Tôi ở xa lắm, em không biết đâu, tận đồng bằng miền bắc kia. Anh sắp chết rồi ... Tôi ngắt lời anh ấy, không đồng chí không chết ! các bác sĩ sẽ cứu sống đồng chí. Anh ấy lắc đầu nhẹ nhàng, anh tự biết anh sẽ không sống được .Anh có người yêu ở quê, anh đã chuẩn bị món quà tặng cho cô ấy mà ... bây giờ .. Anh nghẹn giọng nước mắt lăn trên má. Tôi lau nước mắt cho anh vuốt mái tóc loà xoà trên trán dinh dính mồ hôi.


Anh lại tiếp. Sẽ chẳng bao giờ trao được gói quà này cho người anh yêu ,thì anh ... anh phải trao được món quà cho một người con gái trên cõi đời này. Em là người con gái nhận quà cho anh, ...cho anh yên lòng mà nhắm mắt. Trời ơi, tôi khóc lúc nào không hay. Anh nắm tay tôi, em đừng khóc, các em có quyền sống hạnh phúc. Không, anh ơi em không thể nhận quà của anh dược. Anh nói như người anh trai của tôi, ngoan nào! em phải nhận, anh mới yên lòng ra đi. Gói quà anh đã để riêng cạnh ba lô đây. Tôi nức nở. Anh thiếp đi , mặt anh thật thanh thản.

    Bẩy giờ tối anh ấy ra đi. Tôi báo cáo việc này với tổ y tá và lãnh đạo. Cả tổ ai cũng run run khi mở cái gói quà của người liệt sĩ. Hai bộ đồ lót phụ nữ mới tinh được gói buộc thật kĩ lưỡng. Tất cả chúng tôi oà lên khóc. Chúng tôi không thể tưởng tượng ra được người con gái ở một vùng quê miền bắc ấy lúc này ra sao, có biết là anh ấy đã hi sinh không ? và trước khi tắt thở người liệt sĩ ấy nghĩ về chị ấy rất nhiều hay không ?


   Ba mươi năm rồi, người yêu anh ấy chắc đã lên bà. Ngần ấy thời gian sau chiến tranh hài cốt của anh đã được đưa về nước chưa ?



Lời cuối chuyện : Tôi chỉ được nghe một nữ y tá F5 QK7 kể đến đó . Người y tá này hiện đang sống và công tác ở thành phố Hồ chí Minh .
Hà nội 17/7/2012


4 nhận xét:

  1. BBT Blog K8 xin gửi lời tri ân đến Nguyễn Trọng Luân - K5, một người anh của K8, một cựu sinh viên Cơ Điện, một CCB đã từng tham gia chiến trường. Mặc dù tuổi đã trên 60, nhưng trái tim anh vẫn luôn cùng nhịp đập bạn bè, vẫn luôn chia sẻ những nỗi niềm sâu lắng về một thời sinh viên, một thời làm lính.
    Những bài viết gần đây của Nguyễn Trọng Luân trên Blog K8 đã góp phần sôi động trong giới "còm" cho dù thuận chiều hay ngược chiều thì mọi người đều nhận thấy từ anh một tấm lòng, một trái tim nằm trong lồng ngực của một CSV, một CCB và một tay viết đàn anh.Xin cảm ơn anh nhiều lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Xem mỗi blog CCB số bài bác Luân viết cũng trên 50 bài, còn các blog khác nữa. Sức viết khủng khiếp. Đủ các thể loại...Một bài hát được Trường VHNT QĐ dàn dựng nghe hay lắm ( mọi người vào blogCCB nghe đi...). Không biết còn ai nữa không nhưng chắc không ai ở trường ĐHCĐ qua nổi bác Luân. Con trai viết hay, có gen của bố. Blog K8 mình mới có nên chỉ dạo mấy bài gần đây thôi. Xem bài "còm" trong nội dung" ...Luân bỏ blog..." thấy tự hào cây viết của trường mình...

    Trả lờiXóa
  3. Anh Luân đúng là một 'cánh chim không mỏi " đa năng, em là dân chuyên văn nhưng vẫn bái phục sức viết mãnh liệt và những áng văn thơ của anh mang đậm chất nhân văn, đọc lên tuy có man mát buồn nhưng rất bi hùng tráng, cảm động , nâng tầm con người trong chiến tranh vệ quốc. Xin cảm phục ông anh đấy

    Trả lờiXóa
  4. Từ nay 26/3/2013, BBT sẽ sử dụng thêm trang "Tư Liệu" để đăng những bài viết dài, bài viết hay cùng với trang chủ. Xin các bạn lưu ý tìm đọc

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]