Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

NHỚ BẾN PHÀ HÒN GAI XƯA

Đây là bài của vũ Thọ commen chuyển ra bài mới
NHỚ BẾN PHÀ HÒN GAI XƯA
Không còn cảnh tấp nập nhộn nhịp khi xưa ở bến phà nữa.
Mình từ Bến đoan (khu vực đường ven biển có đền ĐỨC ÔNG ) chuyển đến bến phà từ năm 1961 rồi khi mẹ nghỉ hưu mới chuyển đến Hùng thắng cuối năm 1976.












Hòn gai xưa nhỏ lắm đến nỗi ai xinh đẹp, và cả ai điên...cả thị xã đều biết. Dân cư chính làm ngành than, một số là công chức, làm may, nghề thủ công, buôn bán nhỏ…Cây bên đường là phi lao, xà cừ, phượng. Trong các xóm nhiều cây hoa đại, dâu gia và cả táo, nhãn. Vào mùa hoa đại rụng mấy chị xóm mình đi vơ về phơi khô hàng mấy bao tải bán cho hiệu thuốc.
Bến phà heo hút, ngoài phà còn có đò ngang chở khách. Đi đò mình sợ lắm, ngồi trên mái vòm cong còn sợ hơn nên không có cảm giác thấy đẹp. Sau này đi học nội trú và nhất là thời đi học ĐH xa về mới thấy nơi mình đẹp, đẹp đến nao lòng khi xe vào địa phận rừng thông.
Mình còn nhớ rõ cảm giác mưa xong leo lên đồi đứng dưới gốc thông già nhìn ra xa thấy rõ những rặng núi xanh ngắt trên mặt vịnh như một bức tranh thủy mạc vĩ đại. Lúc trời nắng hơi nước bốc lên nhìn núi chỉ thấy mờ mờ . Có đến vài chục cây thông già gốc to hai người ôm không xuể đã bị phá khi làm cầu, hoa thông nhóm lò than bén, dễ cháy.
Giữa hai bến phà ( một của Pháp, một do mình làm thêm) là một tòa nhà hai tầng có những khóm trúc đào mặt tiền và phía trong lấp ló hai cây đại hoa đỏ. Đây là khách sạn do một bà trúng sổ số Đông dương xây cùng lúc với sòng bạc ở khu 3 Đồ sơn. Sau này là nơi làm việc của Khu ủy Hồng Quảng, năm 1964 là cơ quan Tỉnh ủy QN. Ngôi nhà kiến trúc thời Pháp trần tầng hai làm bằng tre già ngâm và rơm nếp...khi bị Mỹ ném bom hai bên nhà chỉ bị eo đi không bay sạch trơ móng như những tòa nhà 2, 3 tầng sau này mình xây. Có lần mình theo mấy đứa lên gần tầng sát mái bắt chim sẻ bỏ đầy ruột những quả bóng đá.
Bến phà thời tây là bến nhỏ đi chéo từ cây đa to xuôi đến chỗ khách sạn Nội địa sau này. Bến phà mình làm rộng hơn là đoạn ngắn nối hai bên Bãi cháy, Hòn gai. Sau này đi học và thấy phà trôi mình mới nghĩ ra người Pháp làm bến đã tính đến dòng chảy, còn mình tưởng rút ngắn khoảng cách nhưng đã xa hơn vào những ngày nước chảy xiết nên phà trôi là bình thường.
Nơi xăng dầu B12 bây giờ trước là cảng hải quân, thời chiến tranh phá hoại của Mỹ cảng được rời đi nơi khác. Vào những ngày nghỉ, tạnh mưa, ngoài khách bộ hành có thêm mấy chú lính hải quân đầu đội mũ tai nheo đi trên mặt đường láng nước, cảnh vật lúc đó thật thanh bình.
 Cảng than xưa bây giờ là cảng du lịch. Có hai cầu trục rót than. Năm 1972 Mỹ liên tiếp ném bom gần như hàng ngày vẫn không trúng. Sau này cầu trục dỡ xuống bị mất sạch không còn hiện vật để lưu giữ bảo tàng. Tầu ăn than từ các nước đến với âm thanh từ loa mở hết cỡ, mình nhớ tàu Nhật họ thường hay mở bài “Quảng bình quê ta” và những bài dân ca VN khác.
 Những năm chiến tranh cả xóm đi sơ tán còn lại nhà mình và lác đác mấy nhà có người đi làm ở nhà sàng, than luyện…Mẹ mình chạy bơm cấp nước cho tàu than và tàu hải quân mang nước ra các đảo nên ở lại. Nhà mình cũng là nơi ra vào thường xuyên của những người làm phà, bộ đội đóng trên đồi, hải quân các tàu nhỏ vào lấy nước…những năm đó mình đi sơ tán nên ít gặp họ. Chiến tranh thời Giôn sơn cùng trú hầm Tỉnh ủy nên mình biết gần hết người làm phà. Ấn tượng nhất đội tầu Ba đảm đang. Chị Vi Thị Mến lái tàu, người cao to. Tay lái vững cập bến nhanh hơn mấy anh khác. Chị không được đề nghị Anh hùng có lẽ vì có con với anh Hiệp đã có vợ, anh người Trà cổ hay Bình ngọc gì đó đã hy sinh khi đang lái phà, một mảnh bom cắt đứt cổ Các chị khác làm thợ máy , thợ phụ người tứ xứ. Chị Thắng béo nhưng duyên tính hài hước nói anh mình tên là Quyết, hay pha trò…Trừ mấy hôm Mỹ thả ngư lôi còn hầu như ngày nào phà cũng chạy, ngày bão cũng phải thường trực, ngớt bão là phải chạy ngay. Vì phà không chạy mấy ngày có ngư lôi nên đã không được công nhận đơn vị Anh hùng ngay thời gian đó. Thấy cũng vô lý, những người xét duyệt còn nằm hầm trú ẩn an toàn và ở xa vùng chiến sự lại gạt thẳng thừng những người vì lưu thông tuyến đường đã không màng đến tính mạng tuổi trẻ của mình thời kỳ bến phà bị đánh ác liệt nhất. Các máy bay Mỹ vào nội địa khi ra biến thường trút hết số bom còn lại xuống bến.
Ngày mùng 5/8/1964 Mỹ ném bom Hòn gai, dân chúng chạy trú vào các hầm đào nông choèn trên phủ đất lên giấy dầu, giấy xi măng tạm bợ… mặc dù đã được thông báo trước và phổ biến cách thức làm hầm phòng chống ném bom. Riêng mẹ mình bà bạo thế, đứng dưới gốc đa xem tàu hải quân bắn trả máy bay. Đêm đó cả Hòn gai thức trắng đêm đào hầm.
Có buổi chạy ra bến phà thấy một xe tải chở dù , mình kêu đẹp thế bị chú lái xe quát: “ Của Mỹ đẹp gì mà đẹp” cứ ấm ách mãi. Rồi những ngày rục rịch đi sơ tán, những ngày đoàn tân binh đầu tiên của Sư đoàn than qua bến. Các bà có cả mẹ mình rối rít mang nước cho họ. Lúc phà chạy có mấy chú lính còn mải chơi bi bị gọi chạy quýnh lên. Không biết trong họ có ai đó đã mãi không trở về? Xóm mình có một anh làm Nhà máy CKHG đi cùng đợt, mình thấy mẹ mua một bút máy tặng anh ấy. Sau anh hy sinh, lúc bố mẹ anh còn sống, hàng năm Nhà máy vẫn thăm gia đình dịp 27/7, 22/12 và Tết Âm lịch.
Cả tuổi thơ mình gắn bó nơi đây, bến phà Hòn gai xưa. Sau này chuyến ở nhiều nơi có đêm nằm mơ vẫn thấy mình ở đó, nơi phía sau nhà là hai cây đa ngay bên giếng bơm.

4 nhận xét:

  1. Tôi ra Quảng Ninh nhận công tác ngày 24.3.1978 , tôi đi chuyến tàu khách 15 giờ từ bến Bính -Hải Phòng đến Hòn Gai 18 giờ 30 phút. Tàu vào vịnh cách bến khoảng 3 cây số , lúc đó mặt trời đã lặn dần , thị xã Hòn Gai hiện ra trước mắt tôi , trời ơi một thị xã đẹp vô ngần , ánh điện sáng trải theo chiều cao cứ ngỡ con đường lên thiên đàng , một thành phố bất tận .
    Thành phố Hạ Long trải dài theo vịnh , vịnh bao bọc che trở thành phố . Không thể viết ra , nói ra được hết sự hùng vĩ , thanh tao , trong sáng , đẹp mê hồn của vịnh Hạ Long . Chỉ có đến tận nơi , nhìn tận mắt , ôm vịnh . hôn vịnh ta mới thấy diệu kì . .

    Trả lờiXóa
  2. Ngày xưa mỗi lần có máy bay Mỹ đánh phá Hà nôi ,Tôi cũng hay đứng cạnh các góc nhà xem máy bay Mỹ lắm không chịu xuống hầm.Tưởng rằng chỉ có bọn trai nghịch ngợm mới vậy hóa ra cô gái mỏ cũng chẳng kém cạnh gì.
    Sinh mà chỉ viết comment thôi thì yếu quá hay gắng lên kể lại chuyện xưa như Oánh vậy.Hay mải đi bắt mối nên không có thời gian.Mà kể chuyện làm nghề bắt mối cũng nhiều thú vị lắm chứ.

    Trả lờiXóa
  3. Trần Minh Oánh K8MBlúc 11:17 18 tháng 6, 2013

    ẤN TƯỢNG HÒN GAI !
    Mình ra Hòn Gai lần xưa nhất vào khoảng cuoi 1977 đầu 1978- sau kỳ bảo vệ đồ án tốt nghiệp và trước khi nhận công tác ở lại Trường làm cán bộ Đoàn kiêm giảng viên bộ môn Công nghệ chế tao- khoa Cơ từ 1-3-1978 . Oánh ra chơi với nhóm bạn Q.Ninh: anh em nhà (Trác DũngK6-10M + Cường k8Mb), Công K10 I, Phong& ĐàmK8.I, anh Văn...-Khi ấy bố mẹ Dũng - Cường, Công còn khỏe cả..
    Những người sinh ra ở Q.Ninh thì khỏi nói, còn mình thì chắc rằng :ai lần đầu đến QN thời kỳ chưa có cây cầu mà trong mơ thuở ấy cũng chưa thấy như bây giơ -thì ấn tượng nhất là bến phà Bãi cháy còn bên Hòn Gai - không thể khác là Núi bài thơ với ngọn cờ đỏ sao vàng như bông hoa Hướng dương rực rỡ trên đỉnh Núi- biểu tượng của Thành phố mỏ anh hùng- mà tự ngày nào tôi đã hát say sưa như bao người trên đất này vẫn hát: "Núi bài thơ...sừng sững hiên ngang đứng giữa trời..!.", Tôi ra chơi mấy ngày:ban ngày cùng Công xây tường một ngôi nhà mới bằng thứ gạch không nung : cứ đào than ở vỉa đồi canh vườn nhà ra trộn với vôi mà đúc thành gạch bi để khô rồi xây thôi. Vữa xây cũng là thứ nguyên vật liệu ấy nhưng được sàng lấy hạt nhỏ hơn cho mịn.Ông bố Công rất giỏ trồng rau màu trên dải đất chừng vài ba trăm m2 kề đó. Mình con nhà nông ra đây xem công nhân mỏ trồng rau mà phục và tiếc cho quê mình đất màu chẳng thiếu gì mà chỉ biết trồng mấy thứ rau tự sản tự tiêu- không trồng xà lách, cải cúc, rau muống kiểu hàng loạt thành hàng hóa bán tăng thu nhập như ở đây. Cacs bạn biết không? Mới cuối chiều hôm trước ông cụ nhổ sạch vườn rau xà lách và luống cải cúc xanh rờn rồi buộc luôn bởi những cọng lá cỏ gianh mà chủ nhật trước cụ quá giang sang bên Bãi cháy đi bách bộ cải thiện cho lá phổi ( Hòn gai bấy giờ bui than nhiều lắm) và lên núi cắt một ít lá cỏ đủ dùng trong tuần mang về. Thu rau xong, cả nhà tập trung làm lại đất có độn thêm phân, cời luống. Sáng hôm sau bố mẹ Công đi chợ bán rau và mua rau giống về- cũng là thời gian đất đủ khô để cuối chiều trồng lứa rau mới luôn..- cứ thế quay vòng người Thành phố mỏ bắt than- đất đẻ ra rau, ra hoa làm tươi xanh thực sự cho cuộc sống còn bộn bề gian khó ấy. Và thú thực do được thưởng thức món mì ống nấu vơi hải sản có cải cúc, cần tây nữa thì phải- nóng hổi thơm lức do mẹ và chị gái của Công nấu cho ăn sáng mấy ngày đó mà mình đã xin luôn giống "rau lạ"- cải cúc- mang về tận quê ỏ Hải Hậu để trồng và sau đó nhân giống ra cả vùng được nhiều người khen hoài...Tôi cũng mang bức tranh màu "Hang Trinh nữ" rất đẹp mà chị gái của Công tặng mang về làm kỷ niệm suốt bao năm công tác ở lại Trường ĐH Cơ Điện.
    Kỷ niệm về QN còn nhiều lắm, bởi thời gian ở lại trường mình còn ra QN coi thi ĐH :Sau này nữa cứ vài năm là mình lại cùng anh em trong cơ quan đi Yên tử-qua Hòn gai ra Cửa Ông-Móng cái. Có năm đi Cát Bà rồi xuống tàu tua ra Bãi cháy.Từ Vịnh nhìn lên Thành phố Hạ Long cho đỡ nhớ. Ngắm cây cầu kỳ vĩ uốn cong vắt ngang nền trời lại ngẩn ngơ nhớ ánh đèn xanh huyền diệu nơi bến phà xưa. Nhớ từng con sóng ì oạp chờm lên những mắt xích to đùng chân bến. Nhớ cả từng đôi gọng phà cứ kiên nhẫn quay vòng tỳ vào bến làm cho sự tiếp nối muôn thuở không thể nào là một mà lại như là một giữa những con phà sống động với bến bờ cố định cứ soài ra đón đỡ từng bước chân của du khách cho mau được hòa nhịp vào dòng người bổn địa hết ca làm việc đi- về nghỉ ngơi thưởng ngoạn không gian non- nước-bến - thuyền tuyệt vời bên Bãi Cháy .. Nhớ những người bạn QN chân tình,nồng hậu - đã đồng cam cộng khổ, cùng chia ngọt sẻ bùi hồi trên Trường Cơ điên những năm "bẩy mươi..." thế kỷ trước! Phong cảnh Hon Gai bây giờ không còn thuần nhiên như xưa- nhưng mà vẫn đẹp và ồn ào sôi động hơn- tất nhiên rồi- nhưng tấm lòng và phong cách Biển- Mỏ của những người bạn xứ Quảng thì vẫn chân thành, hồn hậu và đáng quí mãi!
    TMO

    Trả lờiXóa
  4. Hồng Quang Thái -Ban biên tập . Xin chân trọng cảm ơn ban biên tập , đã cho chúng tôi những người '' có một thời để nhớ '' , gặp nhau trên BLOG viết . tâm sự , chia sẻ , giao lưu . Tôi chỉ thấy tay Quang , xem ra rất có duyên , hóm hỉnh trên Blog , hắn đáo để đã lôi kéo tôi vào cuộc . Tôi một doanh nghiệp tư nhân , làm nghề bất đắc dĩ 20 năm nay , 20 năm nay rời bỏ cơ quan , về Hải Phòng lập nghiệp mới .
    ' Đã 20 năm sinh chưa về với biển , về với Hạ Long gió lộng mây hồng , có phố thợ chênh vênh lưng núi , có dải lụa sương mờ Tuần Châu ....'

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]