Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

NHỮNG HUYỀN THOẠI CƠ ĐIỆN (BA ĐẠI BÀNG - Trần Thanh Tuân


 BBT - Xin được giới thiệu với các bạn một nhân vật mới (những rất cũ) đã đăng đàn Blog K8 với cả nhiệt huyết và tình cảm sâu nặng - Cơ Điện. Đó là bạn Trần Thanh Tuân K9 hiện đang sống và công tác trong TP Hồ Chí Minh. Một nhân vật khá nổi tiếng trong mọi lĩnh vực và nổi tiếng khá sớm, ngay từ khi còn đang theo học dưới mái trường ĐH Cơ Điện. Nếu ai đó còn chút nghi ngờ, xin hãy đọc bài viết này. Chắc chắn mọi nghi ngờ ấy sẽ tan biến và còn lại là những cảm xúc đa chiều. Hãy thể hiện các cảm xúc đó trên Blog các bạn nhé.
Vì bài viết khá dài nên BBT xin được chia ra làm 3 đoạn đăng thành 3 kỳ. mong được sự thông cảm của Tác giả và bạn đọc.



Điểm đầu mối của mọi niềm vui. Từ đây sinh viên Cơ Điện về trường


Sự gặp gỡ giữa thày và trò Đại học Cơ Điện


Trường ta có ba thày giáo bên khoa Cơ được ví như ba Đại bàng. Đó là thày Nguyễn Quốc Phồn, thày Lê Aí Châu và thày Mai Trọng Nhân. Viết về thày cô ở trường mà không viết về ba thày thì đúng là có lỗi thật. Tôi có vài kỉ niệm về ba thày  nên cũng mạo muội viết ra để bạn bè chia sẻ.
Khi K9 vào trường thì tiếng tăm của ba thày đã vang vọng núi sông rồi. Các anh khóa trước truyền lại cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện ấn tượng sâu đậm về các thày, thành ra dù chưa được học trực tiếp nhưng đã tỏ ra khâm phục và ngưỡng mộ lắm.


Phần 1: Thầy Lê Ái Châu
Nhớ một lần vào tháng 4/1977 chúng tôi đang làm đồ án môn học Chi tiết máy. Đứa nào cũng hì hụi vẽ.  Buổi tối khoảng 9h, một ông già hom hem đi đôi ủng cao su giống ông bán chè ở chợ T3Nhất bước vào phòng tôi vui vẻ: chào các em, cả phòng đang làm đồ án gì thế? Đang bỡ ngỡ không biết ông này là ai? Dân bán chè hay một nông dân chính hiệu ở quê lên thăm con, nhưng nghe kiểu hỏi này thì…chưa hết bối rối thì anh Tuệ đi tắm về nhìn thấy đã hanh miệng: em chào thày ạ, rồi quay ra nói to chúng mày ơi! Thày Châu đến thăm. Cả phòng tôi tíu tít lên, đứa pha chè, đứa tìm ghế, đứa chào cứ râm ran. Thày ngồi xuống bên giường Dũng Bờm và nói: tớ ghé qua chơi thôi, các em cứ làm việc đi, tối nay rỗi có ai muốn hỏi gì thày giúp cho.
Ôi! Thày là Lê Áí Châu đây sao? Trưởng phòng nghiên cứu khoa học của trương đây sao? Cái ông thời đi học do bị lí lịch đì, địa phương chỉ cho học hết lớp 7, rồi phải tự học, lấy vợ sinh con rồi lại thi đại học bảy tám năm liền, năm nào cũng đỗ đại học, địa phương cứ không cho đi. Đến năm thứ chin vì thi đỗ đầu miền Bắc nên địa phương không cho đi không được nữa nên thày mới đươc gọi vào học đại học. Khi học vang danh khắp các bộ môn, rồi đến khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp thày gánh một gánh sách tiếng Pháp, Nhật đi theo để bảo vệ đề tài; Máy phát điện bóp tay (đèn pin bóp tay). Cả hội đồng thi sau khi nghe thày trình bày – chẳng ai hỏi thêm một câu gì – thày phải tự hỏi và trả lời thêm hai tiếng nữa với kiến thức sâu, rộng và uyên thâm. Khi kết thúc cả hội đồng vỗ tay hoan hô mãi - thày thu xếp quang gánh với số điểm tuyệt đối của Hội đồng thi.
Chúng tôi rối rít cả lên. Thày nhấp ngụm trà rồi chỉ vào bản vẽ của Dũng Bờm nói thêm cái này, bỏ cái kia đi không cần, bánh khuấy dầu đặt ở cuối trục này….phớt chặn dầu phải vẽ thế này nhé. Loáng một cái Dũng Bờm xong ngay bản vẽ phác. Ôi trời ơi, thế là cả lũ nhau nhau thày ơi! góp ý cho em, cho em,….cho em nữa. Bọn ở phòng bên thấy vậy cũng vác bài qua, thày trò say sưa quên trời đất. Khuay từ lúc nào không biết, khoảng 1 giờ đêm thày bảo thôi tớ phải về, nhà xa lắm. Thày đi bộ về nhà khoảng 8-9km gì đó, đi một lúc thày quay lại  bảo Ai cần gì thì cứ ghé Phòng nghiên cứu khoa học thày luôn ở đó.
Đôi ba lần tụi tôi ghé lên đều thấy thày đang say sưa với công trình “Biến năng lượng sóng biển thành năng lượng điện”.
Khoảng hai tháng sau vào một tối chúng tôi đang ba hoa chích choè thì thày lại tới  chơi sau khi ở xưởng thực nghiệm về. Nói chuyện xuông một lúc thấy thày có gì ngài ngại, tôi đánh bạo hỏi: có gì không thày? Thày bảo ở đây có ai nhà ở Hà nội không? Dũng Bờm nhanh nhẩu: em ạ, nhà em gần nhà máy điện Yên phụ đây. Nó sợ thằng khác tranh mất. Thế à, rồi thày chìa cái giấy mời họp ở Trương ĐH Tổng hợp ra nói: Sáng mai tớ phải họp ở đó mà giấy mời vừa mới nhận được lúc tối nay. Thời đó nó vậy cái gì cũng ì ạch. Hiểu ý thày rất nhanh tôi liền nói : Thày ơi! Em và Dũng đang định tí nữa về thăm nhà đấy. Tí nữa thày trò mình cùng về Hà nội nhé. Ơ, được vậy thì hay quá. Mấy thày trò thu xếp rất nhanh để ra ga ngay cho kịp chuyến tàu nhanh 10h đêm. Tôi hỏi thày có cần về qua nhà lấy tài liệu và đồ dùng gì không ? thày bảo không cần rồi chỉ tay vào đầu, nói nó nằm ở đây rồi. Ghé tai Dũng Bờm tôi bảo đợi tao một chút . Tôi chạy một mạch như bay vào nhà bác Lâm lái xe tải ở trường và mượn được 4 đồng (sau này trả bác không lấy) Quay về ba thày trò ra ga không quên tạt vào quán phở chị Sáu làm mỗi người một tô thơm phức, hết 3 đ còn 1đ – Dũng chen vào ga mua ngay một gói Tam thanh hết 8 hào và mua cho thày 1 vé đi Lương sơn hết 2 hào đưa thày để thày  hiên ngang vào ga. (Thực tình thày không biết vé chỉ mua đến Lương sơn, tưởng vé về ga Hà nội)Tụi tôi lên lối khác. Thoắt cái thày đã thấy tụi tôi đón thày ở cửa tàu. Tàu chạy qua ga Lương sơn thì thày hỏi các cậu không mua vé à? Dạ không ạ,vé của thày cũng chỉ đến Lương sơn thôi đấy tôi phải thú thực với thày để còn chuẩn bị cho hành trình trót lọt. Thày tròn mắt: thế à - thế à. Lúc sau bớt hồi hộp thày hỏi tí nữa người ta soát vé thì làm thế nào? Dũng ra vẻ từng trải  - thày cứ yên tâm, đi với bọn em không ai soát vé đâu. Nó rút thuốc lá ra hút nuốt khói ém vào phổi rồi từ từ thở nhè nhẹ qua khe cửa sổ. Tàu đến Phổ yên, tôi bàn với Dũng bây giờ phải chỉ cho thày cách nhảy tàu là vừa. Thế rồi bắt đầu thì thào chỉ cho thày kĩ thuật nhảy tàu, nhảy nghiêng 45 độ ngược với hướng táu chạy thế nào hai chân chùng xuống ra sao… . Lúc đầu thày không chịu, mặt cứ nghệt ra.
 Tôi cứ thuyết phục, thày ạ em nhảy xuống trước đón thày, Dũng nhảy sau giúp thày… Nghĩ một lát thấy bí quá thày cũng phải liều, chót đâm lao phải theo lao thôi. Biết sao bây giờ, thày lĩnh hội bí kíp nhảy cũng nhanh như học ngoại ngữ vậy, tuy mặt cứ nghệt ra nhưng cuối cùng cũng đồng ý gia nhập phi hành đoàn với hai PA. PA 1 ga Long biên, PA 2 Cửa nam.
Tàu vào ga Long Biên

Đến đây lại gặp phải trở ngại lớn: đó là đôi ủng thày mang. Đi ủng mà nhảy tầu thì bố tiên sư ai làm nổi, ngã là cái chắc. Thày thì cứ bảo tớ đi quen rồi, không chịu bỏ. Đành phải liều. Tôi thì thào bàn với Dũng cách làm, không cho thày biết nữa.
 Hôm đó gặp may, soát vé có đến nhưng Dũng Bờm nhanh như chớp, tiến ngang ra trước  mặt giả vờ xin tí lửa và dúi ngay vài điếu thuốc vào tay anh soát vé mặt cũng còn non tơ lắm. Anh bạn tốt bụng cho qua đi sang toa bên cạnh. Tàu nhanh phi ì ạch đến gần 1 h sang thì đến ga Long Biên, không giảm tốc độ, nhằm thẳng ga Hàng Cỏ lao về. Thế la PA1 bỏ chuyển PA2 ngay, tôi và Dũng đưa ngay thày ra cửa tàu đứng, chuẩn bị hành sự. Tàu bắt đầu giảm tốc độ có thể nhảy được Dũng ra hiệu, tôi phi nhẹ nhàng lướt trên đường êm như ru. Dũng ở trên hô nhảy đi nhảy đi thày nhưng thày cứ chần chừ bối rối như gà mắc tóc, chỉ còn một đoạn ngắn nữa thôi là tàu tọt vào ga mất, Dũng nhanh như cắt quàng tay ôm ngang lưng thày cùng phi xuống…cả hai lao thẳng vào bụi kẽm gai, rồi lăn long lốc bên vệ đường , đôi ủng văng ra 2 cái 2 nơi. Đoàn tàu lướt qua kình kịch chui vào sau cánh cổng sắt.  Tôi chạy vội lại phía thày. ,Dũng Bờm đang từ từ đứng dậy, khập khiễng chân trái, phủi phủi đất dính rách chỗ cùi chỏ, rồi cũng chạy tới bên thày. Thày nằm im dưới đất ,không nhúc nhíc.
 Tụi tôi lo quá. Gỡ kẽm gai, bế thày lên. Mặt thày be bét máu. Thày bị choáng. Bế thày đặt xuống đất một lát, thày từ từ mở mắt hơi nhoẻn miệng cười nói khe khẽ: Chà! Không sao!.
Giúp thày từ từ đứng dậy, cử động tay chân, cúi người dăm ba cái kiểm tra xem có cái xương nào gãy không…Hít một hơi thật sâu, thày bảo tốt rồi, lần đầu tiên trong đời tớ nhảy tàu đấy!. Các cậu giỏi thật, còn tớ thì may thôi!
 Ba thày trò vui vẻ thong thả đi bộ từ từ về nhà Dũng. Tôi hỏi thày có sợ không?  Thày gật gật đầu nói cũng ngán đấy. Lần sau thày dám nhảy không ? Cũng còn xem xem. Cả ba  cười khoan khoái. Hai giờ đêm về tới nhà Dũng. Ông bà già và chị gái Dũng dậy hỏi han tí chút, nấu cho nồi mì thật to, ba thày trò ăn  ngon hết biết. Ăn xong cả ba được bố trí lên gác xép nằm theo kiểu xếp cá ngủ ngay, ngủ rất ngon. Mờ sáng tôi nghe loáng thoáng tiếng bố Dũng gọi nhè nhẹ rồi dúí vào tay nó mấy đồng bảo mai con đưa thày đi ăn sáng rồi hãy đi đến Trường Tổng Hợp.
Lúc chúng tôi dậy thì cả nhà đã đi làm hết, Dũng dẫn tôi với thày ra đầu phố Yên ninh làm mỗi người một tô bún thang,ngon tuyệt vời,vừa ăn thày vừa hỏi đây là món gì? sao lại có nhiều thứ thịt gà, trứng, giò…thế nhỉ. Tớ chưa biết bao giờ..
Dũng bị đau chân nên tôi đưa thày đến trường Tổng hợp. Tới trường bảo vệ không cho vào, dù thày đã chìa giấy mời ra. Họ nghi, Bảo vệ nhìn thày xét nét từ đầu đến chân. Vỏ áo bông xanh sờn cũ, quần xanh công nhân, đôi ủng cao su. Bộ đại lễ hoành tráng này cộng thêm vết trầy nhảy tàu hôm qua càng làm cho bác bảo vệ không thể tin ông già đen đen, hốc hác, hom hem này lại dự họp Hội nghị Khoa học của Bộ Đại học được. Thày trình bày cách nào cũng không cho vào.
Tôi cất xe vào hàng rào và tiến tới nói luôn một hồi: Đây là giáo sư Lê Aí Châu, thày của tôi từ Trường ĐH CƠ ĐIỆN  ở Thái nguyên về họp, bác không cho vào thì kí vào giấy mời này, để thày trò tôi về cho kịp chuyến tàu trưa. Bác bảo vệ sợ vãi linh hồn, nhưng còn hỏi vớt vát: anh có quen ai ở trường này không? Thày kể vanh vách năm sáu cái tên, ông ta nhìn thày một lần nữa rồi khẽ: mời anh vào. Thày quay ra nói T. về đi, vài hôm họp xong thày về. Tôi nhanh nhẹn dúi vào tay thày 3đ lúc nãy Dũng đưa. Thày cầm lấy phòng hờ lúc cần. Thày chưa kịp phản ứng gì thì  tôi đã vút  ngay ra đường.
Ba ngày sau thày về, ghé lớp tôi, thày kể: còn hai ngày nữa mới hết hội nghị nhưng tớ rút trước vì hai ngày ấy không quan trọng. Ngày đầu họp sôi nổi lắm, ngày thứ 2 càng vui, vì gặp đượcnhiều bạn bè. Sáng mỗi ngày họ phát phiếu ăn cho từng đại biểu, tối họ cho đại biểu ở chung trong phòng dành sẵn ở khu tập thể cạnh mấy phòng cạnh sinh viên. Ngày cuối mới thanh toán tem gạo và tiền ăn. Tớ rút trước, Êm.
Tiền các em đưa không làm việc gì nên mua được cuốn sách này, thày giơ ra cho mọi người xem . Cuốn sách in bằng tiếng Nhật, Thày bảo, đây là cuốn Năng lượng tiềm tàng ở thiên nhiên và Năng lượng nguyên tử, hay lắm đấy. Thày kể những điều thú vị trong cuốn sách. Chúng tôi nghe mà cứ như vịt nghe sấm.
(còn nữa)  

                                              Sài gòn tháng 6/2013. TOTỪ TỪ.
                                                              



7 nhận xét:

  1. xin ban biên tập đính chính dùm Tên tác giả là TRẦN THANH TUÂN K9MB-Biệt danh TUÂN VỊTchứ không phải là TRẦN NGỌC TUÂN-Kẻo anh em lại nhầm với bác Phạm Tuân,Nguyễn Tuân thì chết em!

    Trả lờiXóa
  2. hơ hơ Tuân Vịt K9 thì ai mà chẳng biết còn sợ nhầm.Có điều mà nhầm với Cụ nguyên Tuân thì phúc quá còn nhầm với tuân khác thì e mất oai của Vịt đi nhỉ.
    Cứ khai tên họ đầy đủ việc gì phải nặc danh vậy tuân ơi

    Trả lờiXóa
  3. Trần Thanh Tuân có truyện ngắn: khúc ruột thừa và mối tình vàng son mình rất thích-like thêm một phiếu nữa nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Em ở nhà quê,lần đầu lên tỉnh vào blog K8 nên nhiều bỡ ngỡ ,chứ em thì đâu biết sợ mà nặc danh,nặc diếc gì-Mắt mũi kèm nhèm ,tay lại quen sờ soạng lung tung nên chưa kịp gì thì cái tin kia đã phọt đi mất rồi,mà anh Quang cũng chả giúp gì-để bác Thọ cười cho.E sẽ gửi vài bài loanh quanh K8-9-10 cho anh em chửi Tuân Vịt chơi

    Trả lờiXóa
  5. Bây giờ mới đến lượt Quang nói. Hai ngày lọ mọ lấy bài của Tuân Vịt gửi theo đường meo để đăng mà không được, mặc dù đọc được và thấy rất hay. Cuối cùng nhờ chuyên gia máy tính ĐVD mới biết cái Word cùa mình đời thấp hơn đời Tuân vịt nên chỉ đọc được mà không lấy ra được. Bực mình về nhà ra lệnh cho ông con trai, mày cài ngay vào máy cho bố cái Word cao nhất để bố làm việc. Thế là sáng hôm qua mới lấy ra được, định đăng đàn luôn. nhưng phát hiện ra vài lỗi nên đành phải chỉnh lý tý đã, BBT cơ mà. Chỉnh xong thì phải đi làm, đành để lại, đến tối, sau khi chơi thể thao về vào Blog thấy bài đã được Mr Hòa Vũng Tàu đăng trong comment Rồi, vừa mừng, vừa ngại vì bài viết này phải được đưa lên bài chính chứ không phải là "Còm" được. Tất nhiên cuối cùng thì các bạn thấy đấy, mọi việc đã tốt đẹp, và đến giờ này đã có 4, 5 cái "còm" rồi, vui quá.
    Nhưng bài "Còm" đầu tiên là của ai, các đấng mày râu có biết không? Đó là bài của Thọ K8MA, một nữ sĩ K8 mà Hòa VT mạo muội so với Hồ Xuân Hương. Bài còm hiện vẫn còn ở bài chào bạn bè của Sinh HP.
    Mình đồng ý với Thọ K8MA, tình thày trò bây giờ có được như xưa không? Xin thưa, hầu như là không. Nhưng vì sao, vì đâu? có lẽ cũng không cần trả lời! Chỉ biết rằng, một Tuân vịt, một tôi, một bạn và còn nhiều lắm những người vẫn nhớ đến thày Châu, Thày Phồn, Thày Nhân, cô Tú... và viết bài về các thày, các cô thì cái tình Thày Trò mà Thọ hỏi ấy sẽ mãi mãi còn, mãi mãi đẹp.
    Tuân ơi tôi thực sự xúc động trước bài viết của ông về tình thày trò đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quang oi! lũ mình cũng già cha nó rồi-nên hay nghĩ về những kỉ niệm "đau thương mà anh đũng" ta chỉ còn cái Tâm là vững như xưa thôi.Nhiều khi viết cũng là cách dạy con kín đáo--ba nhờ con đánh máy hộ chẳng hạn...Đối với Tuân vịt cứ hỏi thằng Hòa Vg tàu là biết- không có bạn bè chắc tôi chết từ lâu rồi-kg thèm sống đâu- Sẽ gửi các ban K8 bài CHIM HOA MI-

      Xóa
  6. Xem ra cứ tưởng dân cơ điên chỉ biết máy móc với điện đóm thế mà văn chương lai láng thật cám ơn TUÂN VỊT Đọc xong bài của Tuân mình cứ nghĩ thằng cha này chăc bỏ nghề chính rồi

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]