NgườiHòngai
“Chiều nay gió đông về, dừng chân trên bến xưa…”
Bến xưa với mỗi người có biết bao kỷ niệm, những dấu ấn khó
quên, là nỗi nhớ khi đã đi xa, là bồi hồi khi ta trở lại, cứ bám riết suốt
cuộc đời. Với riêng tôi cũng vậy, bến xưa đó gắn bó gần như trọn vẹn cả tuổi
thơ, tuổi xuân đời mình.
Bến phà Vân Hà hôm nay, gợi nhớ bến phà Bãi Cháy năm xưa. |
Thỉnh thoảng đi qua, nhưng hôm nay mới có dịp dừng và nhớ ngày bến
cũ này từ thời thưa thớt người xe qua, lòng đường nhỏ hẹp, vỉa hè với hàng phi
lao cổ, dưới đó là các quán hàng nước, hàng phở…Phà chỉ đợi chở xe ô tô mà đủ
xe mới chở, còn người đi bộ, đi xe đạp đợi lâu quá thì lên mấy con đò ở bến phà
cũ thời Pháp. Thuyền to cũng chỉ chở được gần chục xe đạp, còn lại là người. Xe
đạp xếp trên sàn còn người tản mát tìm chỗ ngồi, phần lớn ngồi trên
mái vòm của thuyền. Người lái đò dùng sào chống để đẩy con thuyền xa bờ. Thuyền
chòng chành, cánh buồm được kéo căng quay về hướng hỗ trợ cho người chèo nhẹ
hơn. Lá buồm không thuần nâu như trong thơ, thôi thì đủ loại, nâu, nâu nhạt,
nâu bạc thếch, có cái nhờ nhờ màu cháo lòng chẳng biết màu cũ là gì nữa, thường
là cánh buồm nào cũng có mấy miếng vá lớn. Phà và thuyền vẫn ngày ngày đưa
người xe qua lại hai bến rồi một thời gian sau không thấy thuyền nữa chỉ còn
phà. Mặt vịnh phẳng lặng là thế nhưng thỉnh thoảng lại có phà bị nước cuốn
trôi, có lần nhà phà phải điều thêm ca nô kéo, và hành khách sau gần tiếng lênh đênh
trên vịnh mới vào tới bến. Bến là nơi nhộn nhịp nhất, mình thường hay ngồi gốc
đa nhìn ngắm người xe lên xuống, khách đến nhà chơi cũng vậy, có người còn bê
cả cơm vừa ăn vừa xem không rời mắt.
Cầu Bãi Cháy hôm nay đã thay thế cho bến phà xưa. |
Thời chiến tranh phá hoại bóng dáng du khách nơi xa, trẻ em, người
già vắng dần chỉ còn bộ đội, công nhân và những người đi làm. Thời cao điểm
quán triệt không được ách tắc giao thông, một người, một xe cũng chở. Vì vậy vào
buổi tối cuối thu năm 1972, sốt ruột lo lắng máy bay Mỹ ném bom phía bến phà lúc
chiều, không biết mẹ có sao không mình bỏ trốn nơi sơ tán về nhà và đã là hành
khách duy nhất trên một chuyến phà. Lên bến, cảnh đổ nát hiện trước mặt, không
còn lối đi cũ, đành quay trở lại phía bến dò dẫm qua một hố bom sâu hoắm lần
tới kè đá bám rễ đa leo lên. Im ắng, tối mờ mờ, vừa cúi xuống, một con mèo hoang
từ trong hầm nhà ở dưới gốc đa lao lên. Xóm sơ tán, không
còn ai để hỏi về mẹ. Lại trèo xuống lần ra đường rồi lên hầm (thời Pháp) sau
cửa hàng ăn uống nơi công nhân bến phà trú ngủ qua đêm, nghe mấy anh chị nói mẹ
không sao, ngủ ở đây đi, sáng mai mẹ ở trên hầm đồi pháo mới về, lúc ấy mình mới
yên dạ. Mẹ mình là công nhân phải trực ở đó để bơm nước phục vụ các tàu vào
cảng than, tàu hải quân…
Ở bến này đã từng chứng kiến biết bao cuộc chia ly với những người
con trai đất mỏ vào nam những năm chống Mỹ. Người ra đi không biết ngày về, người
ở lại khắc khoải trong chờ đợi và bốn năm sau khi đất nước thống nhất lại là
những người lính trẻ từ khắp mọi miền hành quân ngược ra biên giới chống quân
xâm lược.
Khi chiến tranh phá hoại kết thúc, bến được mở rộng để hai phà
cùng cập bờ, phương tiện chuyên chở được đầu tư nâng cấp, phà tự hành thay thế
dần phà ca nô kèm. Bến lúc nào cũng nhộn nhịp, có lúc có tới 4 phà qua lại
nhưng những hàng xe vẫn nối đuôi dài chờ, người đi bộ, đi xe đạp đông quá nên
phát sinh thêm bến đò máy. Ngày trước chỉ có đò là thu tiền, hòa bình một thời
gian qua phà phải mua vé, chỉ ngày tết mới miễn phí.
Nhu cầu qua lại quá lớn, những đoàn xe vận tải loại lớn từ phía nam chở hàng xuất sang Trung Quốc, xe chở than, xe chở thiết bị, vật tư các
loại được bốc từ những con tàu neo ngoài vịnh…vì vậy dự án về một cây
cầu hình thành, qua bao cuộc triển lãm rồi cũng được thi công. Ngày thông cầu cũng là ngày chấm dứt mọi hoạt động trên bến. Do đường lên cầu vòng vèo xa quá, dân kêu nên
có lúc nhà phà cũng đã cho một hai phà phục vụ, lượng khách èo uột sau đó là
chấm dứt hẳn. Phà chỉ còn là kỷ niệm. Vào ngày lễ hội du lịch Hạ long những con
phà được đưa ra trang trí phần nền trên vịnh. Bến được giữ lại như một di tích
(đơn vị 3 lần được phong Anh Hùng). Một hàng rào sắt ngăn bến cũ để lại một con đường
nhỏ hẹp để xe đi ngang qua. Bến phà trở thành bến tắm mặc dù bị cấm.
Một bến phà xưa vắng tanh rồi trở nên sầm uất nhộn nhịp giờ chỉ
còn lại trong ký ức và đã là dĩ vãng…
Hạ Long,tháng 8/2014
Bến phà Bãi Cháy, một di tích nổi tiếng của thành phố Hạ Long bây giờ . 20g ngày 24.03.1978 lần đầu tiên V.Sinh cùng a.Hạnh ( k4-8) đặt chân tới, đi qua để sáng ngày 25.03.1978 nhận công tác tại nhà máy đóng tầu Hạ Long, một dấu mốc không bao giờ VS quên trong cuộc đời . Mối tình cuối cũng bắt nguồn từ đây, phà Bãi Cháy để lại cho v.Sinh biết bao kỉ niệm đẹp cùng với nỗi u buồn sâu nặng suốt cuộc đời .
Trả lờiXóaSau chiến tranh, mình cũng đã qua phà Bãi Cháy vài lần, chủ yếu là đi du lịch thôi. Một kỷ niệm về bến phà ấy, mỗi khi nhớ lại vừa buồn cười vừa ngượng.
Trả lờiXóaHồi ấy, vào hè, con đường dẫn từ bến phà lên khu du lịch nắng trang trang, bụi mù mỗi khi có cơn gió thổi. Gia đình mình (mới có 2 vợ chồng) và gia đình cô em 3 người rời phà đi về khách sạn. Bọn xe ôm bám riết mời lên xe. Phần vì sợ bị lừa, phần vì muốn tiết kiệm, cả 2 gia đình quyết định không đi xe ôm mà chỉ đi ... bộ thôi, trời nắng, không quen đi bộ, mồ hôi nhễ nhại, bọn xe ôm chèo kéo không được chúng quay ra chửi "Đồ giời đầy..." Nghĩ lại vẫn thấy buồn cười.
Đời mình từ nam 1978 đến khi thôi phà Bãi Cháy đi phà này khoang 7-8 dịp gì đó. Lần đầu tiên là dịp sau khi TN đại học chờ phân công công tác đi theo anh em Trác Cường, Công K10 Ib ra Hòn Gai chơi cả tuần cùng bọn Phong, Đàm, đến cả nhà anh Văn....., Lần 2 hình như giùă 1978 cùng đoàn coi thi của Trường Cơ điện ra coi ở Quảng Ninh- nằm nghỉ ở KS nội địa gần phà Bãi Cháy- thời kỳ ấy Dũng Khòng là thư ký HĐ thi mà Trác Cường có em Vân, Công có em Cúc thi ĐH mà mấy ông anh đủ trò cũng chẳng giúp được gì- Những lần sau toàn là đi du lịch ...thôi! Bấy giò ở Miền bắc có lẽ phà Bãi Cháy là sôi động nhất và chắc chắn cảnh vật cũng đẹp thơ mộng nhất. Không gì đẹp bằng đứng trên sân thượng hay ban công khách sạn mà nhìn ra :dưới ánh đèn pha chiếu rọi từ 2 bến xuống những đoàn xe bật đèn, hàng trăm, hàng ngàn người đi bộ, xe máy... nối nhau xuống phà, mấy con phà đan chéo đổi nhau xuất nhập bến trong sóng nước dạt dào , ánh điện lung linh huyền ảo thật là tuyệt vời. Nam 2007-2008 mình đi Móng cái về đến Phà thi bão to ập vào Hòn Gai, trên đường phố đầy cây đổ, sóng lớn phà phải dừng chạy. Đoàn đi có sếp nhớn nên bằng mọi cách phải qua sông về NĐ ra chỉ huy chống bão ngoài đê biển- thế là liên hệ mãi mới kiếm được một ca nô vượt sông đưa người về bên Bãi cháy rồi bắt xe chạy thục mạng về Nam Đinh- xe con phải nằm lại bên Hòn Gai chờ gió nhẹ bớt mới sang Phà về sau ...Khi đó Cầu Bãi Cháy mới đang đổ được mấy trụ 2 đầu...thôi.
Trả lờiXóaPhà Bãi Cháy có những kỷ niệm đẹp chẳng bao giờ quên với mình cùng những người bạn Quảng Ninh và những người bạn cùng công tác sau này..!