BBT - Các bạn đọc thông báo trên trang bìa và cho ý kiến!
LAN MAN CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI LÍNH HẢI QUÂN
LAN MAN CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI LÍNH HẢI QUÂN
ThọK8MA
Không biết nhiều về các binh chủng nhưng có lẽ ấn tượng nhất
với mình là những người lính Hải quân.
Người lính hải quân đầu tiên mình biết là một người bác họ
ít tuổi hơn bố. Dạo đó cảng hải quân ở chỗ cảng dầu bây giờ (phía chân cầu bên
Bãi Cháy). Vào những ngày nghỉ bác thường sang nhà mình chơi, thỉnh thoảng dẫn cháu
sang cảng, cho lên tầu. Không đi phà, bác cho đi đò bến phà cũ thời Pháp. Sàn
thuyền để xe đạp, người đi bộ ngồi trên mái vòm, mỗi khi thuyền chòng chành chỉ
lo rơi xuống nước. Lần đưa tàu sang Quảng Đông sửa chữa lúc về bác mua cho con
bướm gỗ to, cầm dây kéo cánh màu sặc sỡ xòe cụp lạ mắt, cả lũ trẻ trong cơ quan
chạy theo tranh nhau. Mang lên lớp mẫu giáo khoe rồi mất hút, tiếc mãi. Bác
chuyển ngành sang Công ty du lịch lái tàu. Cả Công ty có 2 tàu, tàu to (nhỏ hơn
thuyền du lịch bây giờ) bác lái, cái nhỏ như cái xuồng gắn máy. Tàu gần như chỉ
phục vụ khách nước ngoài.Lúc nào muốn đi vịnh lại sang bác. Có mấy đứa bạn được
mình dẫn đi, lần vào phía nam vừa rồi con bạn nhắc mãi nhưng mình không nhớ. Cuộc
sống khó khăn nhà đông con, vợ yếu thế là bác xin nghỉ về quê đi tàu cá. Tháng
lương đầu tiên được 10 ngàn, đêm không ngủ được mừng vì giúp được vợ, có được cảm
giác người chủ thực sự của gia đình. Làm vất vả giờ già yếu suy sụp, đã gần 80
tuổi.
Chòng chành sóng nước Hạ Long |
Người lính nữa là anh trai. Anh đi lính năm 1964 khi chưa
tròn 17 tuổi. Mấy bác Tỉnh đội đóng trên đồi hỏi bố mẹ có đồng ý không vì nhà
có một con trai, bố ngần ngừ thôi để cháu đi. Tập huấn ở Tiên Yên, đêm nào cũng
thấy mẹ khóc. Tết năm đó anh dẫn mấy người bạn về, có một anh trung cấp nấu ăn
trổ tài nấu. Mình nhớ món đùi gà nhồi thịt rán. Tách lấy da đùi, băm nhỏ thịt
gà và tôm, mộc nhĩ, nấm, nhồi vào và dùng chỉ buộc đầu phía trên, luộc qua rồi
rán. Nhìn các lát cắt như giò, ăn thấy lạ và ngon. Khi Mỹ đánh phá dữ hơn anh
được gọi tập trung vào Tiên Yên, lần khám sức khỏe cuối cùng để sang Trung
Quốc đào tạo anh và 4 anh nữa bị loại vì mắt kém có 5/10. Năm anh đi bộ từ Tiên
yên về đơn vị có qua cơ quan bố sơ tán ở Quang Hanh. Lữ đoàn giải tán xin sang
pháo binh không được, họ chuyển sang lái xe đoàn Quang Trung, năm 69 bị thương
rồi về làm thợ, cuộc sống làng nhàng. Sau mới nghĩ ra mấy anh không đi
học muốn ở nhà chiến đấu vì mắt 5/10 ai cho đi lái xe? Sinh hoạt CCB vẫn ở lữ
đoàn cũ.
Những năm 60 đường Hòn gai phần đông là công nhân than và bộ
đội. Hải quân lên bờ là đi nghỉ, ai có người quen thì đến nhà, không thì lang
thang rồi về tàu. Tàu hải quân vào bến Hòn gai thường chỉ lấy nước. Tàu to cập
cảng lấy than, tàu nhỏ áp mạn bờ kè. Hồi đó mẹ mình bơm cấp nước cho cảng và các
tàu nên biết rõ. Mình ở nhà vào dịp hè. Có hai tàu nhỏ vào lấy nước mang đi các
đảo: tàu chú Giang, tàu chú Thắng. Mỗi lần nhìn thấy dứa mít nhiều để ở góc nhà
là biết các chú sắp về,. Mẹ mua vì tính bà thoáng, nghĩ con mình đâu đó cũng được
các bà mẹ khác chăm sóc. Chú Giang vào là đổi truyện. Tàu chú có một hòm truyện
chủ yếu là sách thư viện hải quân, nhà mình hòm truyện anh để lại. Trước hôm nhập
ngũ anh xếp đống to truyện tranh Thủy Hử, Tam quốc…gọi bọn trẻ xóm cho chúng
nó. Quyển nhỏ khổ bé hơn bàn tay người lớn, bìa ngoài dầy, tranh màu, tờ trong mỏng
vẽ bút sắt, chữ Trung Quốc, mình tiếc mấy tờ bìa các cô gái đẹp như tiên nữ ngắm không chán. Chú Thắng thích một
chị trong xóm lứa tuổi anh mình. Có lần chú mua 2 nón trắng mình dẫn chú đến chỗ
sơ tán (chỗ nhà Trác Cường bây giờ). Chị yêu ai đó nên không nhận lời, vẫn sống
độc thân. Quen thân như người nhà, có chú sau này đi qua nhà hỏi còn cơm không,
mình nói để cháu nấu, chú nói thôi rồi cầm thìa, bát thức ăn và bê nồi cơm nguội
ra gốc đa ngắm người xe qua bến.
Những năm thời Ních sơn đánh phá ác liệt hơn, một số bị
thương, một số đã hy sinh, những người còn lại bây giờ có gặp cũng không nhớ vì
đã hơn 40 năm. Các chú có đến thì nhà đã chuyển đi nơi khác.
Chuyện hải quân nhiều mình chỉ kể có vậy.
Mình thật sự choáng khi xem phim tài liệu về những con tàu
không số, mỗi người lính trên con tàu đó trong ý nghĩ của riêng mình đều là những
anh hùng.
Viết bài này vì chợt nghĩ sắp tới
ngày kỷ niệm thành lập QĐNDVN 22/12.
Hy vọng các bạn viết tiếp chuyện
những người lính hay chuyện của chính các bạn.
Chúc những người lính trường mình
gặp mặt vui vẻ ngày truyền thống, ôn nhớ lại một thời tuổi trẻ đã đi qua.
Cám ơn bạn Thọ . Mình không phải lính Hải quân nhưng đọc chuyện bạn kể về lính HQ cũng thấy ấm lòng . Cám ơn những người nhớ lính . Chúc bạn và gia đình khỏe
Trả lờiXóaVới giọng đều đều như thế này mà kể dài dài nữa là độc giả khóc đấy.
Trả lờiXóaCái buồn,cái tiếc,lẫn vào thiếu thốn, dấu trong tình cảm của những con người chân thật.
Thọ viết tiếp nữa đi nhé, ngày nào mà chả có kỉ niệm, cần gì phải 20/12 hay Tết nhất gì. Mọi thứ nằm sẵn trong tim rồi còn gì. Cảm ơn bài viết của người con gái đất Mỏ.
Bình thường không nghĩ nhưng phải có cái cớ gì đó và lúc viết mới nhớ đến. Những năm chiến tranh gian khổ, khó khăn nhưng con người sống với nhau chân tình, không vụn vặt ...
Trả lờiXóaBuồn cho những người lính lẽ ra được an nhàn nhưng vẫn còn vất vả với cuộc sống. Số không được đến gặp mặt hoan hỉ ngày truyền thống như những người lính trường mình ở đất nước liên miên các cuộc chiến tranh này còn nhiều lắm.