Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

BỐ MẸ PHU HỒ, CON ĐOẠT HCV OLIMPIC TOÁN QUỐC TẾ.

TUÂN VỊT
Mình vừa đọc bài này xúc động quá share lên các bạn cùng đọc nhé.
Ngày đưa con vào lớp 10 chuyên Khoa học tự nhiên ở Hà Nội, vợ chồng anh Hòa cũng khăn gói rời làng quê, lang bạt thủ đô làm thuê nuôi con.
5h sáng 14/7, gia đình của Nguyễn Thế Hoàn (lớp 11, THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên) háo hức bắt xe lên sân bay đón nam sinh trở về sau kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2014. Người mẹ mặc chiếc sơ mi trắng cổ bèo, quần jean, dép quai hậu, tay cầm bó hoa, mắt không thôi hướng về cửa làm thủ tục. Gặp được con trai, chị Thạch ôm chầm lấy, mắt rớm lệ. "Con cái chăm ngoan, học giỏi là tài sản quý giá nhất của gia đình em...", người mẹ nói.
Hoàn sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Ba sào ruộng cấy lúa quanh năm của cha mẹ chẳng đủ nuôi 4 miệng ăn chứ chưa nói đến việc đóng học phí, mua sắm đồ cho hai cậu con trai đang tuổi lớn.
Nguyễn Thế Hoàn (lớp 11, THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH QGHN) là một trong ba thí sinh của đoàn Việt Nam đoạt HCV Olympic Toán quốc tế 2014.
Thi vào THPT, Hoàn đỗ liền ba trường chuyên Sư phạm Hà Nội, Khoa học tự nhiên và chuyên Thái Bình. Ước mơ là được học tại ngôi trường của nhiều anh chị đạt giải cao thi Olympic quốc tế như Lê Hùng Việt Bảo, Ngô Đăng Tuấn…, Hoàn xin bố mẹ cho lên Hà Nội học.
"Lúc đó con bảo, lên Hà Nội học cũng chỉ ăn từng ấy gạo thôi. THPT chuyên Khoa học tự nhiên lại là ước mơ từ lâu của cháu, thương Hoàn và mong con được học hành tiến tới, tôi cùng chồng quyết định lên Hà Nội làm thuê", chị Nguyễn Thị Thạch (38 tuổi), mẹ em Hoàn nói.


họ vẫn ra công trường luôn chân luôn tay đảo vữa, bê đồ


Ngày Hoàn nhập trường cũng là lúc bố mẹ em rời làng quê, khăn gói lên thủ đô đi phụ hồ. Vợ chồng anh chị không thuê nhà trọ mà cứ công trình ở đâu thì dựng lều bạt sống tạm tại đó. Ngày ốm vừa vừa, khi nắng gắt, mưa bay, họ vẫn ra công trường luôn chân luôn tay đảo vữa, bê đồ. Mỗi tháng hai vợ chồng kiếm được 6-7 triệu. Quá nửa số đó giành cho Hoàn đóng tiền học phí, sinh hoạt. Số còn lại anh chị gửi về quê giúp cậu con út đang học lớp 9 chuyên Văn.
Sống tạm trong lều bạt với cha mẹ nhưng chưa một lần Hoàn tự ti trước chúng bạn, ngược lại em còn thấy tự hào. "Ai cũng có nghề nghiệp của mình và em tự hào khi có bố mẹ sống hết mình vì con", Hoàn tâm sự. Tấm HCV Olympic Toán quốc tế chính là món quà quý giá để em báo đáp công lao của bố mẹ.

2014, đoàn Việt Nam đoạt 3 HCV Olimpic toán quốc tế.
Biết tin Hoàn giành HCV, mẹ em khóc mừng đến suýt ngất. Suốt ngày hôm đó, cả công trường nơi chị Thạch làm việc chỉ bàn tán và xuýt xoa ngưỡng mộ. Tại quê nhà Thái Bình, hai ngày liền ông bà của Hoàn chỉ lo tiếp họ hàng, bà con, thầy cô giáo… đến chia vui. Cả gia đình đều tự hào, mong ngóng từng ngày được đón con trai mang "vàng" về làng. Olympic Toán quốc tế của năm nay, Hoàn là thí sinh nhỏ tuổi nhất.
Đề thi Toán Olympic quốc tế năm nay hơi khác một chút, chú trọng nhiều vào tổ hợp. Tuy nhiên, phần hình học – thế mạnh của Hoàn, vẫn có 2 câu trong bài thi. "Em cảm thấy rất may mắn vì điều đó. Lúc biết điểm 29 của mình cũng đoạt HCV, em thấy vui không chỉ cho riêng mình mà cả đoàn vì thành tích sẽ được nâng lên", Hoàn tâm sự.
Niềm vui của người mẹ nghèo, của xóm làng nơi vùng quê lam lũ.

4 nhận xét:

  1. Đất Hưng Hà, Thái Bình rất nhiều người tài giỏi, có tiếng từ ngàn năm !

    Trả lờiXóa
  2. Có những trường hợp tôi đã gặp trong đời và không bao giờ quên.
    1. Khi gia đình mình còn sống và kinh doanh tư nhân ở TP Nam Định, hàng tuần có một bà đứng tuổi sống ở ngoại ô Nam Định mang đồng vụn (đồng nát, ve chai) đến bán cho mình. Nhìn bà ăn mặc rách rưới, động lòng ngồi chơi hỏi thăm bà. Được biết bà có 3 đứa con và cả 3 đều đang học Đại học. Vui lây, mình nói đùa, em đổi cho chị cái gia tài này lấy 3 đứa con của chị đấy.
    2. Ngay bây giờ, cạnh nhà mình đang sống, có một căn nhà tạm và có một gia đình nghèo ở tỉnh xa về thuê. Họ có 2 đứa con trai, đứa lớn tốt nghiệp đại học 2 năm trước, đứa bé vừa vào đại học năm rồi. Bà mẹ đi mua bán ve chai, ông bố đi xe ôm. Họ cũng chẳng nghèo quá. Nhưng họ rất tốt, họ đã hết mình vì con cái. Họ sẵn sàng giúp đỡ mọi người, kể cả những người giàu hơn họ. Trời đất đã trả lại cho họ những đứa con ngoan, học giỏi, tốt bụng. Hàng ngày con trai mình vẫn phải vác sách sang hỏi bài...

    Trả lờiXóa
  3. Một gia đình ở Phú Quốc hoang sơ, bố nghề chài lưới, mẹ làm rẫy có 5 đứa con thì 4 đứa học đại học. Con trai lớn và út học ĐH Kiến trúc HCM, hai chị em liền kề học Đại học Đà lạt. Khi tốt nghiệp người anh muốn em làm quản lý nhà nghỉ cho mình ở SG nhưng vì tiếc 4 năm học, tiếc nghề mình theo đuổi nên cậu em quyết định về đảo làm hướng dẫn viên du lịch với mức lương thấp hơn. Chị gái cũng về đảo dạy PTTH. Gia đình gốc Quảng Ngãi đến đảo sinh sống từ những năm 70, nghe cháu kể thấy nể quá. Ai đó đến đảo có thể gặp, HDV có khuôn mặt thanh tú, thư sinh…về nhà thỉnh thoảng hai cô cháu nói chuyện nhưng lâu rồi mất điện thoại, mất số và cũng không liên lạc lại được.
    Mấy người ở quê ra bán hàng rong nơi mình tằn tiện nuôi các con học đại học. Đứa học ĐHAN, đứa học FPT...

    Trả lờiXóa
  4. Con một gia đình công nhân Nhà máy mình thi PTTH Singapo có học bổng, năm đó cháu là một trong hai thí sinh phía bắc trúng tuyển ( bạn kia ở Nghệ An ), đang học cao học tiếp và làm việc ở Sing.
    Xem báo một làng có hai sinh viên Đại học Harvard học bổng toàn phần. Anh con bác tốt nghiệp bằng đỏ, cô bé con chú mấy năm sau được nhập học ước mơ học giỏi như người anh, bây giờ có lẽ đã tốt nghiệp. Nghe kể mỗi lớp ở khóa học hàng năm bị giảm 10% tốp cuối cho đến khi tốt nghiệp.

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]