Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

NƯỚC MẮT VỊ XUYÊN


                                         NƯỚC MẮT VỊ XUYÊN

 

NgườiHòngai

Xin gửi tới bạn đọc một bài viết trên trang mạng về những người lính đã hy sinh trong chiến đấu chống quân xâm lược Trung quốc cách đây 30 năm.

 

Nước mắt Vị Xuyên      

Vị Xuyên chìm trong mưa, những người lính sư đoàn 356 đứng khóc nhìn về phía đồng đội đang nằm giữa sỏi đá, bom mìn trên đường biên...

Hồi ức trên “đồi thịt băm” 

Những người lính già từng xông pha chiến trận, quân phục sờn vai đứng nhìn núi mà khóc. 30 năm, “đồi thịt băm” mãi mãi như một vết thương không thể liền da, chỉ cần chạm đến là nhức nhối. Đây là cái tên lính đặt cho cao điểm 772, nơi gần 500 người lính của sư đoàn 356 ngã xuống trong trận đánh ngày 12/7/1984.

Đối với cựu quân nhân Trần Quốc Sơn, đây là lần đầu tiên quay lại chiến trường. 30 năm trước, chàng trai Hà Nội này rời ghế nhà trường, trải qua khóa huấn luyện ngắn để lên chiến trường Vị Xuyên. Ít ai nghĩ chiến tranh khốc liệt đến thế, người người cứ ngã xuống trước đạn pháo của quân thù. 

“Tất cả hỏa lực mạnh của địch bắn tới tấp. Chỉ sau một giờ nổ súng, tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó của chúng tôi hi sinh. Người sống dìu người bị thương, người khỏe bê người hi sinh. Chúng tôi rút về phía sau khi chỉ còn rất ít người. Phần lớn anh em nằm lại và chẳng bao giờ có thể về nhà được nữa” - cựu quân nhân Trần Quốc Sơn khóc nấc.

Không phải lính sư đoàn 356, ông Phạm Văn Gia là cựu chiến binh ở Tây Trường Sơn. Nhưng nỗi ám ảnh của quá khứ khiến người lính già cầm máy ảnh đi chụp các nghĩa trang dọc đất nước. “Mình có con rồi mới thấy tiếc xương máu. Những người nằm lại ở đây mới mười tám, đôi mươi thôi” - ông Gia không giấu nổi giọt nước mắt. 

Những người lính sư đoàn 356 bên cạnh bổ sung: “Có cậu hi sinh lúc mới 17 tuổi thôi”. Rồi tất cả níu vai nhau khóc. Không một người lính nào biết sư đoàn 356 cho đến ngày giải thể còn bao nhiêu người còn sống. “Lính hi sinh trên mặt trận thì ở dưới lại bổ sung lên. Chúng tôi đếm được người chết chứ cũng không thể đếm được người sống” - cựu quân nhân Nguyễn Văn Kim nói.

“Không chỉ ở các cao điểm, những đồng đội hi sinh nằm bên đất Trung Quốc còn rất nhiều. Sau trận chiến ngày 12/7, Trung Quốc không cho mình sang mang thi thể đồng đội về. Sau 3-4 ngày, họ dùng xe ben chất đầy thi thể rồi đổ xuống hố đốt cháy và lấp lại. Phần hố chôn lính Việt Nam họ đổ bêtông lên và san phẳng. 

Bao nhiêu năm nay, chúng tôi chỉ mong bằng cách này hay cách khác, có thể mang cả xương cốt hay đất đá nơi lính Việt Nam nằm để chôn bên cạnh đồng đội” - cựu quân nhân Đỗ Quang Huy rưng rưng. “Người lính chiến đấu dẫu có trận thất bại, cũng có trận lập chiến công. Chỉ mong Tổ quốc một lần nhắc tên họ công khai” - ông Huy bày tỏ.

Về đây đồng đội ơi!
 30 năm mong mỏi đưa đồng đội về nhưng ước vọng vẫn chỉ là ước vọng. Hàng trăm liệt sĩ vẫn nằm lại rải rác trên các chóp núi, sườn đồi. Để an ủi linh hồn những đồng đội không thể trở về, những người lính sư đoàn 356 tự đóng góp để xây một đài hương tưởng niệm trên cao điểm 468. Họ mang những gói thuốc lào Hàng Gà, những bộ quân phục giấy xanh màu lá... lên cho đồng đội. Họ gửi gắm những người dân địa phương mỗi lần đi ngang qua đốt cho đồng đội vài điếu thuốc. 

Trước ngày kỷ niệm 12/7, họ đến đó, ôm đàn guitar hát cho đồng đội nghe: “Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào, được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lo hát yên bình, quân dân nồng ấm nghĩa tình/ Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi/ Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt, hồn nhiên nụ cười/ Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa/ Biên cương hình bóng quênhà”.

Những người lính già khóc theo từng lời hát. Cô văn công sư đoàn Kim Thanh, giờ là bà ngoại, cũng khóc, kể cả vào buổi tập bài hát. “Ngày đó các anh trẻ lắm, ngây thơ, trong sáng. Có ai ngờ buổi sáng vừa hát cho họ nghe, buổi chiều họ đã nằm xuống” - bà Kim Thanh chia sẻ.

Buổi trưa trước ngày giỗ, trên cao điểm 468, những lời hát với tro tàn cứ vấn vít trên những cành cây và bay về phía núi. Phía bên kia là “đồi thịt băm” 772, là cao điểm 685 và xa hơn là 1509. “Đồng đội đã nghe thấy và đã về đấy” - nhạc sĩ Trương Quý Hải, một người lính của sư đoàn 356, nói. Và sau câu hát, sau đám tro tàn bay là cơn mưa ngút trời Vị Xuyên. 30 năm nay, cứ tháng 7 trời Vị Xuyên luôn tầm tã như thế...
            

7 nhận xét:

  1. Đáng tiếc! 30 năm sau có một chương trình truyền hình trực tiếp"Biên cương thắm tình hữu nghị" đã xóa nhòa đi ranh giới hay nói một cách khác là đã hợp thức hóa phần đất đã mất. Nơi Nguyễn Trãi tiễn cha đã lùi sâu hàng chục km phía bên kia...
    "Một tấc đất của tiền nhân cũng không được để mất", "...phải cảnh giác với họa nước Tàu..."
    Lời di chúc, sự cảnh báo của cha ông đã không được để ý tới.
    Sự kiện biển Đông luôn là sự nhức nhối nhưng cũng đã thức tỉnh người Việt.
    Mong rằng mãi mãi về sau nhớ và làm những điều cha ông đã căn dặn.


    Trả lờiXóa
  2. Là lính chống Mỹ chúng tôi còn được nhắc đi nhắc lại .Lính chống tàu khựa thiệt thòi đủ đường .Rồi Lịch sử Dân tộc này phải đau đớn mà nhắc đến các đồng đội còn nằm đâu đó không trở về được

    Trả lờiXóa
  3. Đã có khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐTBVXH : Không phân biệt chế độ với những người có công với cách mạng trong KCCP,CM và TQ...đại ý vậy.
    Sai lớn nhưng đã sửa còn được nhưng mấy chục năm qua con, cháu và thân nhân người lính như một sự oan ức...

    Trả lờiXóa
  4. Sự thiệt thòi của những người lính nằm xuống & gia đình họ là quá rõ ràng . Xin kể chuyện này còn kinh khủng hơn : Năm trước trong trại hè giao lưu học sinh quốc tế vô tình học sinh VN được xếp chung nhóm với học sinh TQ , trong một chuyên để nói về đất nước tôi . Hs VN lên bao la : Rừng vàng bể bạc ... học sinh TQ lên dẫn giải , diễn thuyết luôn đất nước TH vĩ đại bao gồm cả Hoàng Sa , Trường Sa ... rằng cuộc chiến năm 1979 ngì TQ dạy cho VN một bài học ... Học sinh VN ớ ra không biết lí giải ra sao tức quá ngồi khóc !
    Vậy với kiểu cách như bây giờ của nhà cầm quyền thì con cháu chúng ta chẳng còn biết gì tới tội ác của bọ Tàu khựa trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đẫm máu năm 79 - 88 nữa rồi .

    Trả lờiXóa
  5. Tối nay 25/7/2014 trong bản tin thời sự của đài truyền hình VN có đoạn tin phóng sự giới thiệu hình ảnh đ/c Chủ tịch nước gặp gỡ các chiến sĩ sư đoàn 356 nhân kỷ niệm 30 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc năm 1984 của sư đoàn.Hình ảnh cảm động nhất trong buổi kỷ niệm là hình ảnh nhạc sĩ Trương Quý Hải, một người lính năm xưa của sư đoàn 356 –vừa đàn vừa ca bài hát “về đây đồng đội ơi!”.…
    Qua mẩu tin phóng sự tôi đã thấy có điều gì đó bắt đầu thức tỉnh về ý thức cần phải nhìn thẳng vào sự thật với mọi cuộc chiến tranh vệ quốc.về sự tri ân của đất nước này với những người chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1972,1984 cũng như từ ngàn xưa.Đoạn tin đã làm cho hàng triệu con tim đất Việt bớt đi sự trăn trở và nhức nhối sau bao năm khi nghĩ về cuộc chiến Biên giới ngày nào.Những người thân của bao liệt sĩ đã ngã xuống tại mặt trận phía bắc sẽ đỡ mủi lòng,tủi thân hơn mỗi khi đất nước này nhắc đến những cuộc chiến vệ quốc của dân tộc.

    Trả lờiXóa
  6. Khoảng cách tới lúc viết lại sử còn xa nhưng là tín hiệu đáng mừng.
    Chính thất bại làm con người mạnh mẽ cứng cỏi vươn lên.
    Các quốc gia cũng vậy. Các nước Đức, Nhật là minh chứng.

    Chúng xâm lược và truyền bá hành động đó như sự đương nhiên. Ta bưng bít để đứa trẻ không cách nào phản ứng lại. Sao tới bây giờ vẫn rừng vàng biển bạc?

    Không thể phủ nhận đã có một thời kỳ thiếu đói, lúng túng trong kinh tế và thất bại về quân sự.
    Một số người dân đã tìm đường ra đi và trong số đó cũng đã có người tìm trở về.

    Trả lờiXóa
  7. Vừa sớm nay nghe Truyền hình đưa tin hôm nay sẽ tổ chức lễ dâng hương tưởng niêm cá c LS hy sinh tại Vị Xuyên- Hà Giang đó- có lẽ đây là lần đầu được nghe bản tin Truyền hình Quốc gia quảng bá nội dung nay mà bao người muốn được nghe mấy chục năm rồi. Thôi đành ngậm ngùi tự an: Muộn còn hơn không!
    Thật là " nước ngập gần cổ rồi mới nhẩy" !

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]