Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

NHỚ THÀY LUYỆN & MỘT VÙNG QUAN HỌ

Oánh K8MB:

Phần 1: Chuyện thêm về Thày Luyện:
       Đọc bài của “MA ThọK8” kể chuyện Thày Luyện khi chấm bản vẽ hộp số cho trò cưòi rằng: Hộp này dẫu lắm răng nhiều trục vẫn chỉ có một cấp tốc độ! Căn do là cả “Ma” cùng các “ong chưa kịp là thợ” ở k8  khi  tô vẽ giúp - mắt mủi còn liếc ngang trông chéo nên bỏ sót “thằng bé” tuy  nhỏ nhưng rất quan trọng trong bộ truyền - ấy là cái then! “Ma” lấp liếm rằng nó ở mặt sau...(Sau thì cũng phải có nét đứt chứ lị!?) . Thế mà thày chỉ tủm tỉm cười (hẳn là thương con nhỏ khốn khổ trót lạc vào cái lò thiêu sinh mà đại đa số là bọn con trai lao vào này, vả lại nó cũng biết láu lỉnh chữa háy bằng miệng tạm được đấy chứ) rồi cho qua!
      Nghe chuyện tớ tin ngay, tin cái láu của “Ma”; Tin vì nhận diện kiểu nói hài và lòng độ lượng của Thày. Các bạn thử hình dung: lỗi dạng này mà rơi vào tay thày Thảo- Hình hoạ, thầy Uẩn, Thày Nhân-máy cắt...xem ? Có mà cầm chắc 1 điểm kèm một vạch chéo dài rách giấy rôky !
                                                  *
                                              *       *
       Tớ kể thêm chuyện về Thầy Luyện nhé:
       Vào khoảng đầu tháng 4 dương lịch năm 1977, thày Luyện dẫn 1 nhóm hơn chục SV tương lai sẽ nhận làm đồ án tốt nghiệp Máy cắt đến Nhà máy Qui chế Từ Sơn- Hà Bắc thực tập tốt nghiệp (Nhóm gồm Oánh, A.Trọng kều k4-8 , Trác Cường, Đạo, Diến, hình như cả Văn, Tường nữa...- quên vợi rồi ai nhớ thì nhắc giùm để có dịp rủ nhau về lại chốn cũ nhé!) 
        Thày trò tự lần mò vào dân làng Phù Lưu (đối diện lối rẽ từ QL1 sang ga Từ Sơn) để tìm nhà trọ. Chủ trọ của tốp có Oánh là cụ Hoàng Thuý Mậu (năm ấy 2 cụ đã trên 70 tuổi , cụ là bố đẻ nhà biên dich Tiếng Nga nổi tiếng Thuý Toàn) có nhà ở giữa làng, cách nhà máy thực tập chừng 1km.
Sinh viên Đại Học KTCNTN (Cơ Điện cũ) trong mùa đồ án.


        Hàng ngày bọn này đến tham quan nhà máy và làm việc. Nói làm việc cho oai vậy chứ làm được gì mấy đâu... Hôm đầu  SV Cơ khí chưa có thực tế nhìn thấy mấy cỗ máy bán tự động & tự động sản xuất bu lông, đai ốc hầu hết là Nga Xô chế ra chẳng thấy người  mà “của cải cứ tuôn ra...xành xạch” thì mắt tròn mắt dẹt cứ hỏi liên hồi mấy anh công nhân trực máy. Họ chỉ cho xem tuốt- trừ có khu vực lò ủ, tôi, ram  qui định bảo mật  không cho người ngoài vào. Qui định thì phải chấp hành thôi chứ thưc ra mấy thằng chưa đâỳ 5 tuổi SV này có mà căng mắt ra, dõ bễ vào tai còn chửa ăn ai nữa là...
         Sau vài ngày điệp khúc ra - vào nhà máy thấy ngài ngại gặp con mắt của công nhân và thấy chán ngắt. Trưa ăn cơm phiếu lưng dạ, kem Từ Sơn ngon lắm nhưng tiền đâu có mà nếm thường xuyên được. Sau bữa chiều cả bọn diẽu ra nghĩa địa cổ có thảm cỏ xanh  tán chuyện làm quen đám nữ sinh lớp 10 trong làng lấy cớ học bài cũng cầm sách ra đây tiếp chuyện mấy chàng Cơ Điện sán gái, ăn nói lại có duyên  vv...
       Mãi sau 2 - 3 tuần...Vào cuối  một buổi chiều Thày Luyện nhẩy tàu xuống ga Từ Sơn, cuốc bộ vào nhà trọ rồi ra tận bãi cỏ ngoài nghĩa địa này gặp lũ trò thực tập. Nằm kềnh ra bãi cỏ, một tay gối đầu, chân xoạc chữ V- phả đôi làn khói thuốc lá cuộn trắng mờ vào không gian, Thày nhẹ nhàng hỏi:
       Thế mấy tuần qua các cậu  thực tập được gì rồi?
       Cả bọn  miệng ngậm hột thị chẳng biết nói gì. Oánh cậy được thầy tin mến- nhất là sau lần thi môn máy cắt được thày cho 5 điểm- đánh bạo vừa trả lời vừa hỏi:
      - Thưa thầy chúng em chỉ mới được học nội qui ra vào cơ quan, nội qui an toàn... và đi tham quan một số máy móc thiết bị của nhà máy... thôi ạ! Ông Trưởng phòng kỹ thuật chỉ giao cho mấy việc vặt bảo bọn em “nghiên cứu” rồi cũng chưa hỏi xem bọn em nghĩ và viết được gì. Thầy xem nói với họ giao việc gì cụ thể  để bọn em làm thì sau này mới viết  báo cáo kết quả thực tập được chứ ạ !?
       Tôi dừng lời, cả bọn cùng nhao lên thể hiện lo lắng trách nhiệm học hành...
       Thầy ơi, ...Thầy ơi...!
       Chiều Xuân - Hè về cuối, một luồng gió chớm lạnh thổi qua mang theo mùi hương nồng nồng, quen quen của cây thuốc lá thuốc lào cả ở bên cánh đồng Đình Bảng thổi về.. Liếc nhìn sang thấy miệng thày tủm tỉm; Với chất giọng chưa hết âm hưởng  Miền Trung – không trả lời, Thày bảo:
       “ Bây giờ thày kể chuyện năm nào thày đi thực tập tốt nghiệp ở bên Ru cho các cậu nghe nhé!”
         Cả bọn nằm  quanh Thày lắng nghe:
       “ Dạo ấy ...chúng mình được một vị giáo sư dẫn đi thực tập ở một nhà máy ngay cạnh Thành phố có nhiều quần thể du lịch, văn hoá thể thao. Rồi sự việc cũng diễn ra tựa  như các cậu vừa kể . Một hôm lo lắng quá mình bèn  gọi điện về hỏi  giáo sư . Các cậu biết Giáo sư nói thế nào không?:
        - Thế các cậu đã biết cái hồ bơi, cái sân bóng đá  nọ..., cái rạp xiếc kia.. nó cách nhà máy các cậu đang thực tập bao xa chưa?
         - Xoẹt!
        Ông cúp máy chẳng thèm nói gì nữa!”
        Thầy dừng chuyện ngồi dậy búng mẩu thuốc hút dở ra xa.
        Sau một thoáng ớ ra, cả bọn choàng dậy ôm lấy Thày cưòi ầm ĩ. Lũ gái tơ làng Phù Lưu giật mình trố mắt nhìn ngơ ngác. Chúng chẳng hiểu chuyện gì xẩy ra bên đám người đang còn nửa quen nửa lạ kia, tay hờ gấp lại quyển vở học trò mà biết đâu cả tiếng đồng hồ qua chưa được lật sang lấy một trang nào!
         Ánh hoàng hôn nhạt dần. Thầy ân cần vỗ vai  chúng tôi đi về trong làng, sương chiều bắt đầu toả dần xuống làng quê Quan họ .(còn nữa)

                                                                                                                   Thành Nam, 21-2-2014

6 nhận xét:

  1. Khi đi thực tập tốt nghiệp, P.Quang, Vũ Thành Dũng, Trần Danh Thế, Trần Văn Thái thực tập tại nhà máy Cơ Khí Trần Hưng Đạo. Mọi việc xảy ra ở đây giống hết như ở Từ Sơn mà Oánh kể trên, Nhiều tình tiết li kì lắm, mình xin kể ra đây một chuyện thôi, mấy ngày đầu, ông trưởng phòng vắng, bận nên ông Phó phòng bảo: "các cậu cứ xuống xưởng mà tham quan, muốn biết gì thì cứ hỏi các anh, chị công nhân ấy nhé. Khi bon này xuống xưởng vớ ngay phải khu vực thử và chạy rà máy, tiếng nổ ầm ầm, khói mịt mù, người hỏi, người trả lời cứ gật đầu lia lịa mà có biết họ nói gì đâu. Chán lại rủ nhau ra công viên chơi...
    Mấy ngày sau, ông trưởng phòng đưa cho mình một bản vẽ bảo vẽ lại, 2 tiếng sau mình nộp. Ông trợn tròn mắt nhìn mình như nhìn người hành tinh vậy. Sao đã xong là thế nào, cái này làm trong một tuần, nhanh thế thì mai lấy gì mà làm???
    Tưởng chỉ nơi này mới như thế, hóa ra chỗ nào cũng vậy.
    Tưởng chỉ thời bao cấp mới như thế và người ta nhìn ra sự thật. Hóa ra đến giờ còn tệ hại hơn. Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo từ lâu đã biến thành đất riêng của tập đoàn VinHome với hàng dãy bia hơi, massage và siêu thị. Hai nhà máy lá cờ đầu của nghành cơ khí nước nhà cũng đã rơi vào tay tập đoàn VinHome với những chung cư hiện đại, đắt tiền và những siêu thị nhà hàng đắt đỏ, cái đó giành cho ai? Rồi cả cái Times City nữa cũng của tập đoàn VinHome đã xóa sổ nhà máy dệt 8-3. Có người nói, những nhà máy ấy đang được xây dựng lại ở vùng ngoại ô Hà Nội, nhưng...bao giờ xây xong và liệu có sống được không?? còn bao nhiều điều khác nữa...

    Trả lờiXóa
  2. Thày Luyện cũng không dễ cho qua vì thầy kiểm tra mình xem có hiểu được về cấp tốc độ không mới cho khoảng 3 bài gì đó và nhận thấy mình hiểu và độ lượng xá lỗi kia khi cho rằng có thể sửa được. Không được vẽ nét đứt vì qui định rồi phải thể hiên then ở mặt trước hoặc mặt cạnh.
    Hình họa tớ học khá đấy. Bài tập đầu tiên được điểm 5 khi có tên muốn vẽ hộ chỉ 4. Thi tớ được 4. Về thực tập tốt nghiệp tại nhà máy Cơ khí 1/5 ở Hải phòng có một kỹ sư người Hoa đố các bài về hình họa tớ giải được hết nên quí lắm. Bài tập thiết kế đồ gá doa lỗ lắp vòng bị hộp số làm sơ sài và anh ấy là người bảo vệ tích cực cho bọn tớ đấy.
    Về CKHG có một thợ bậc 7 có một bài đố về vẽ kỹ thuật ( cho 2 hình chiếu vẽ hình thứ 3) tớ là người duy nhất giải được và phần thưởng là 2 gói kẹo lạc, bây giờ gặp mặt về hưu người thợ đó cứ nhắc lại mãi.
    Thầy Luyện còn xá tớ lần thi máy. Đề bao giờ cũng gồm hai câu máy tự động và một câu máy thủy lực. Tớ chỉ học máy tự động còn máy thủy lực xem lướt.Đề là truyền động máy phay và câu nữa không nhớ. Tớ làm hai câu dĩ nhiên van máy thủy lực là bịa nhưng cứ tin là đúng. Thầy hỏi kỹ máy tự động rồi nhận xét sai phần thủy lực. Thấy nói máy được 5 còn thủy lực 2 à không thủy lực 0 tính sao đây? Sao không học hết? Mình nói không đủ thời gian. Thày nói ai xem truyện cho? Mình nói đề 3 câu em làm được 2 là đạt. Thày căng một lúc rồi cho qua. May mắn cho tớ trả bài thầy, một người thầy thương học sinh và không vụn vặt. Môn dung sai cũng tình trang tương tự, thầy thêm bài kiểm tra phần chuỗi thấy làm nhanh và xá cho phần lắp ghép ú ớ rổi cũng cho qua sau khi nhắc lại về xem lại phần kia. Khi dạy kèm nghề cho CNKT tớ mới xem kỹ và vỡ ra nhiều điều. Dung sai tớ nghỉ 18/25 tiết được cán bộ lớp ưu ái báo đi học đủ nên mới được thi. Phần này thực tế cũng hay lắm. Hồi nhà máy tớ sửa chữa xe ISUZU có chuyện gia Nhật về giảng. Mình rất ngạc nhiên sao miền dung sai chế tạo sơ mi và piston sao rộng thế kia khi lắp ghép đòi hỏi phải chính xác, ngẫm mãi mới hiểu họ chế tạo loạt lớn và phân nhóm vì vậy sản phẩm bị loại là rất nhỏ. Người Nhật thực tế và rất kinh tế ngay trong kỹ thuật nhưng oái ăm sơri xe đợt sau không thể dùng được những chi tiết hay thay thế đợt xe trước buộc người sử dụng phải mua phụ tùng mới.
    Tớ vẫn cho là nếu đầu tư thời gian học như mọi người tớ sẽ không đến nỗi bi đát. Về thực hành chắc chắn kém xa con trai vì mình thấy các bạn rất khéo tay. Nghe mọi người tranh luận sẽ ngấm nhiều mà không phải học, đó là môi trường còn thiếu ở phòng nữ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai cứ đầu học kỳ là phải chép hộ bài cho chị ấy nhỉ( vì nghỉ nhiều, vì ko biết mình sẽ thuộc "biên chế" lớp nào)?

      Xóa
  3. Gần 40 năm rồi mà M. Thọ vẫn nhớ kỹ từng chi tiết oái oăm trong học hành thi cử và làm việc vậy- nể đấy !

    Trả lờiXóa
  4. Còn những nhân vật khác đâu rồi, các ông các bà có học thày Luyên không?, có học các môn VKT, CTM, NLM, CNCT hay máy cắt... không? cả bên điện nữa chứ, khóa nào chẳng học, lên tiếng đi. Không lên tiếng, tôi chuyển sang bài khác đây này...

    Trả lờiXóa
  5. Hút chết, ngạc nhien, yêu thích....mới nhớ được

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]