Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

MỘT LẦNKỶ NIỆM VỀ GẶP ĐẠI TƯỚNG.

Nguyễn Tuấn Dũng K8MA

Thế là đã 100 ngày trôi qua từ ngày Đại tướng mãi mãi ra đi.
Như đã hứa với mọi người khi viết bài “Đại tướng của lòng dân”, hôm nay tôi sẽ viết về kỷ niệm một lần gặp Đại tướng của tôi.
Đó là vào một ngày mùa xuân năm 1973, ngày mùng 3 tết.
Hôm đó nhân ngày tết tôi đến thăm và chúc tết gia đình một người bạn thân tại địa chỉ 49 phố Huế - Hà Nội. Gia đình bạn tôi vào thời đó có bà mẹ bạn tôi đã gần 80 tuổi, gia đình chị gái cả và gia đình người anh trai, còn bạn tôi lúc đó đang làm việc tại Ban chuẩn bị sản xuất nhà máy cán thép Gia Sàng – Thái Nguyên chỉ về nhà vào những dịp lễ, tết.
Các LL vũ trang tham dự lễ tang Đại tướng


Đông đảo nhân dân Quảng Bình và cả nước tham dự lễ tang Đại tướng


Vừa ngồi chơi nói chuyện được một lúc thì có tiếng chuông reo. Tôi hơi ngạc nhiên ví cổng vẫn mở (cổng chỉ là một cánh cửa rộng khoảng gần 1 m chắn giữ lối đi), bạn tôi nói “không biết ai mà còn bấm chuông” rồi đi ra cổng. Bà mẹ bạn tôi nhìn đồng hồ rồi nói “có khi là vợ chồng ông Giáp đến”. Tôi chưa kịp hỏi xem vợ chồng ông Giáp là ai thì bạn tôi đã quay trở vào, dắt theo một chiếc xe đạp máy(hình như là xe PeuGeot 102 thì phải), theo sau bạn tôi là một cặp vợ chồng trung niên. Người phụ nữ đi trước mặc áo dài nhung, khoác bên ngoài một chiếc áo vet cũng bằng nhun.g, trên tay ôm một bó hoa. Người đàn ông đi sau mặc áo khoác dạ, quần bộ đội và đội một chiếc mũ catket.
Bước chân vào nhà cả hai ông bà tiến lại phía mẹ bạn tôi và nói:” Năm mới chúng con chúc cụ luôn luôn mạnh khỏe, chúc cả gia đình ta một năm mới nhiều sức khỏe và đạt nhiều thành tích trong công tác. Chúng con có bó hoa mừng gia đình ta nhân dịp năm mới và cũng mừng miền Bắc nước ta đã được hòa bình”.
Mẹ bạn tôi đón bó hoa, nói lời cảm ơn, mời hai người ngồi và kêu bạn tôi lấy lọ cắm hoa. Lúc này tôi đã nhận ra và hết sức ngạc nhiên vì người đàn ông chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lúc này bạn tôi vừa pha xong ấm trà Hồng Đào và rót ra chén mời vợ chồng đại tướng và mẹ mình. Vợ chồng Đại tướng vừa cầm chén nước lên chưa kịp uống thì vợ chồng chị gái bạn tôi từ trên gác xuống và bước vào, lập tức cả hai vợ chồng Đại tướng đặt chén trà xuống tách và đứng dậy nói :”chúng em chào thầy cô! năm mới kính chúc thầy cô luôn luôn mạnh khỏe và hạnh phúc”.
Anh rể bạn tôi bước nhanh lại nắm tay hai người, kéo ngồi xuống và nói :”Anh chị làm gì thế, ngồi xuống đi, người nhà cả mà”.
Lúc này chúng tôi và vợ chồng người anh trai bạn tôi ý tứ lui ra phía sau, nhường không gian lại cho mẹ bạn tôi, vợ chồng Đại tường và vợ chồng chị gái bạn tôi nói chuyện.
 Tôi chưa kịp hỏi thì bạn tôi đoán được suy nghĩ của tôi đã kể luôn:
Anh rể bạn tôi Lê Văn Sáu, nguyên là Giáo sư sử học của Đại học Soocbon (Pháp) hồi hương về nước và đang giảng dạy tại đại học Sư phạm Hà Nội.
Bà Đặng Bích Hà (vợ Đại tướng) là học trò của ông đồng thời còn là người mai mối để ông nên duyên cùng chị gái bạn tôi vì vậy nên quan hệ giữa hai gia đình rất thân mật, vừa là tình thầy trò vừa là tình bằng hữu.
Mặc dù vậy, hàng năm cả hai vợ chồng Đại tướng đều rất giữ lễ, cứ đến sáng mùng 3 tết là cả hai vợ chồng lại đến chúc tết thầy Sáu, trừ khi nào Đại tướng  không thể bố trí được thì bà Hà mới đi một mình.
Ngồi chơi nói chuyện độ khoảng gần 20’ thì vợ chồng Đại tướng ra về. Trước khi ra về Đại tướng còn tiến lại phía chúng tôi, bắt tay từng người một rồi mới cùng vợ ra về.
Bạn tôi đã nhanh nhảu dắt xe ra ngoài cho vợ chồng Đại tướng (ngõ nhà bạn tôi hơi nhỏ, từ ngoài đường vào bậc lại cao nên dắt xe hơi khó).
Chỉ một lần gặp thôi nhưng tôi đã không thể nào quên được.
Một vị Đại tướng, một vị bộ trưởng bộ quốc phòng, tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và trên tất cả là một ủy viên Bộ chính trị, một Phó Thủ tướng mà hết đỗi bình dị, không câu nệ lễ nghi, không lạm dụng chức vụ sử dụng xe công (lúc đó Đại tướng có tiêu chuẩn xe VolGa), vẫn hết sức gìn giữ thuần phong mỹ tục của dân tộc, vẫn một lòng nêu cao ý thức “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, vẫn thực hiện đúng phong tục ngày tết của dân tộc là :”mùng một thì ở nhà cha, mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy” cho dù đó chỉ là thầy của vợ mình.
Sau này khi biết thêm rằng Đại tướng vốn xuất thân từ một thầy giáo dạy Sử tôi đã hiểu thêm được nhiều điều và càng kính trọng Đại tướng.
Có thể nói chỉ một lần tình cờ gặp Đại tướng nhưng đã đã để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc và những kỷ niệm đó đã giúp đỡ, chỉ đường cho tôi và nâng bước cho tôi trong suốt quá trình công tác, đặc biệt là khi tôi trở thành một giảng viên trên giảng đường Đại học.
Nhân kỷ niệm 100 ngày Đại tướng ra đi, tôi viết những dòng này cũng là gửi gấm tấm lòng của mình với Đại tướng trên trang Blog của chúng ta, đồng thời củng gửi tới tất cả những ai sẽ đọc bài này một thông điệp là :
”Hãy cố gắng giữ gìn truyền thống và bản sắc dân tộc tốt đẹp của chúng ta”.  


                                                                       

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Tuấn Dũng , rất xúc động .

    Trả lờiXóa
  2. Câu chuyện cảm động lắm .Chỉ những Người biết yêu Người là yêu chính Mình mới Đức Độ như vậy.

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]