Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

ÔNG BÀ ƠI !

                                        
 Trần Thanh Tuân
Có lẽ ở đời hiếm ai như nó, nó không biết ông bà nó là ai, quê quán ở đâu. Khi nó lớn một tí thấy bạn bè có ông bà nội ngoại âu yếm, đón đưa, nó chạnh lòng, nó buồn lắm. Bàn thờ cũng không thấy ảnh. Nhiều lần nó mếu máo hỏi bố, mẹ thì chỉ được nói là ông bà mất lâu lắm rồi. Bố mẹ nó còn không biết. Nó đứng nhìn bạn bè có ông bà mà thèm, nước mắt cứ ứa ra rồi lủi thủi kiếm mấy cái cỏ gà hoặc con dế mà chơi. Nó thèm khát cái mà mọi đứa đều có, thừa cả ra. Lắm lúc nó thấy bạn nó được bà ôm hôn, nó cũng chạy lại bám vào chân bà ấy nước mắt rưng rưng. Bà ấy xoa đầu nó và cho mẩu khoai chia ra từ phần cháu mình. Nó không cầm mẩu khoai dù đang đói, nó bật khóc rồi cắm đầu chạy về nhà gục mặt khóc nức nở. Nó thèm cái hơi ấm của bà. Mấy đứa em nước mũi, nước dãi chảy dài thấy anh khóc chẳng hiểu gì cũng khóc theo. Nó bắc cái ghế rồi trèo lên bắt chước bố mẹ thắp một nén huơng cắm vào bát ở cái miếng gỗ treo cao cao gọi là bàn thờ, không biết khấn vái gì chỉ lẩm bẩm : ông bà ơi!  
nó không biết ông bà nó là ai, quê quán ở đâu
Bố nó kể, chiến tranh loạn lạc thời Pháp tản cư, bố bị thất lạc gia đình lúc ba, bốn tuổi, lớn lên theo xe khách đi dạt lên đây. Gặp mẹ con, người cùng hoàn cảnh. Là anh cả, nó phải trông bốn đứa em và kiêm luôn việc nấu nướng cho em ăn, dạy em học bài. Nó thương bố mẹ tảo tần, và thèm rỏ dãi những thứ mà bọn cùng tuổi có. Khổ nhất là dịp lễ tết, 1/6, Trung thu. Nó bắt mấy em ở nhà, nó hát cho em nghe: tùng cắc cắc, tùng cắc cắc…rồi tiếp Rằm Trung thu em xách đèn đi chơi, hát đến đây nó im bặt thấy như có lỗi, chuyển qua bài khác, môi bịm lại chực khóc.



Như một cái cây lớn lên trên sỏi đá, nó rắn chắc và gan lì. Trông nó đen đen, ngầu ngầu. Không biết học ở đâu ra mấy miếng võ cào cào, thỉnh thoảng khi bị mấy thằng to con bắt nạt, nó sàng chân, múa tay trông dữ tợn lắm, bọn kia sợ bỏ chạy. Tụi con nít truyền tai nhau là  nó có võ, hỏi thì nó bảo bác Võ Tòng dạy tao. Tụi trẻ con tin lắm, không đứa nào dám bắt nạt em nó.
Nhiều lần dẫn em đi chơi nó thấy cái cần cẩu quay quay, móc hàng rồi đặt vào cái xe ô tô, nó thích lắm nhìn chăm chú, chôn chân xuống đất. Có hôm nó ngắm cái xe đạp, cái xe để thì ngã, đạp lại đi mà không ngã, thế mới tài! Cứ thấy xe máy là nó bị hút hồn.
Có lần đám bạn trong xóm chí choé với nhau, thằng thì thích lái cẩu, thằng thì nhận lái xe ô tô,thằng đòi lái tàu thủy, hỏi nó, nó bảo nó thích làm ra mấy cái máy ấy cơ.

Trời thương nó, cho nó một đức tính cần cù và chịu khó hơn tụi trong lớp. Thầy cô yêu nó lắm. Nó nhớ lời bố dặn, cố mà học để khỏi phải vất vả như bố mẹ và làm gương cho em nữa.
Năm tháng vất vả khốn khó cứ thế trôi.
Rồi một ngày nó đỗ đại học. Nó đậu vào Trường Cơ điện được học ngành nó mơ ước: Chế tạo máy.
Bố mẹ nó mừng khóc cả đêm.
                                                     ***
Vào đại học được mấy tháng thì nó phải đi bộ đội.
Đi thì đi.
Bộ đội gần năm lại cho về.
Về thì học.
Khó khăn thời sinh viên chả là đếch gì với nó. Nó học chẳng giỏi giang gì nhưng cứ tằng tằng về đích. Cái tính chu đáo của nó được rèn từ nhỏ nên ở lớp cái gì cũng đến tay, lại hay nhường nhịn chịu thiệt thòi nên bạn bè ai cũng yêu quý nó ra mặt.
Ra trường nó xin về nơi bố mẹ đang sống, coi như là quê hương. Cấp trên quá mừng, dí ngay về nơi cốc ho cò gáy, một nơi khó khăn. Chả ngại ngần, nó xác định ngay con đường đi tới tương lai.
Với đức tính cần cù chịu khó ham hiểu biết lại hay nhường nhịn hiếm có, nó được mọi người yêu quý ngay. Nó được đề bạt làm lãnh đạo khi còn rất trẻ. Cái doanh nghiệp oặt ẹo của nó từng bước đổi thay, đi lên không ai ngờ khi nó làm Giám đốc. Khó khăn vất vả ngập tràn, nhiều khi cơ quan thiếu vốn nó phải đi xoay sở vay mượn bạn bè, khắp trong Nam, ngoài Bắc để làm. Tìm mọi cách nâng sản lượng, thay mới mặt hàng, tìm bạn hàng... Công nhân viên trong cơ quan ai cũng tự hào về tính năng động của Giám đốc mình. Nó có tài ngoại giao không biết ai truyền cho. Ai đã dính vào nó là thấy quý ngay cái thằng chu đáo khéo léo này.
Nó làm rạng danh gia đình, tổ tiên và vẫn đi tìm ông bà, tìm quê bao năm qua. Đủ các loại thầy bà ngoài Bắc trong Nam vài chục năm nay nó nhờ mà vẫn chưa thấy quê đâu. Rõ khổ. Nó vẫn đau đáu trong lòng về ông bà tổ tiên, quê hương. Nó muốn tạ ơn tổ tiên. Mặc dầu trong suy nghĩ của tôi, nó thiệt thòi vì không được tổ tiên phù hộ.
Vài lần ngồi với nhau, sờ vào vết sẹo dài trên trán dấu tích của một lần trượt ghế ngã khi thắp hương ông bà, nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy đưa đám bèo lục bình nhấp nhô ra biển nó bảo, cho đến bây giờ tao vẫn nhớ ước ao thèm khát của thời trẻ thơ.
Thỉnh thoảng nó lại gọi vào động viên tôi, một thằng có quê mà tha hương. Tôi khâm phục nó vô cùng, một người Cơ Điện dấu danh.

     Viết về người bạn thân lăn lộn với đời. Sài gòn – tất niên 31/12/2013.

4 nhận xét:

  1. Lứa bọn mình ít người biết đến ông bà mà chỉ nghe qua lời kể.
    T.V thật khéo đã viết không cụ thể tên nhân vật nên không bị mang vạ. May mà bài trước tôi viết đã đổ tại T.V và đã bị cằn nhằn nhưng được hiểu là phản ứng dây chuyền nên chỉ bị trách sau T.V.
    Người bạn T.V kể là người Cơ Điện trẻ nhất khi được đề bạt Giám đốc một đơn vị Cơ khí ở tỉnh.
    Và cũng là người hạnh phúc trọn vẹn nhất trong một nhóm bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Oi Quê hương có thể bỏ đi tha phương được,chứ Tổ Tiên -Ông Bà thì sao dám bỏ.Trớ trêu thay Bố -Mẹ còn mồ côi thì sao có Ông Bà được,Nhưng Ông Bà luôn ở trong Tâm Ta nên các Cụ luôn cạnh Ta đấy

    Trả lờiXóa
  3. Khó khăn vất vả vượt lên và thành danh, nhưng vẫn nặng lòng với ông bà tổ tiên quê hương thì thấy gần gũi biết bao người. TV có cái tài nói cho tất cả và thấy đâu đó một người trội ra. Đọc đoạn đầu và cuối thấy se se lòng. Cảm ơn TV một bài viết Tết.

    Trả lờiXóa
  4. T.V. Bàng, Quang gặp chưa nhỉ, năm 1979, cùng đi bộ đội với mình có Bàng K9, sau về làm ở Cơ Khí Cẩm Phả. Có phải Bàng này không?

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]