Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

CÔ NHUNG

Trần Thanh Tuân                                                                                                                        
Mấy lời thưa trước: Vài năm nay tôi được gần gũi làm việc với các thày cô giáo Trường THPT Lê Qúy Đôn Tp HCM để cùng chia sẻ, chăm nom các cháu học sinh. Tôi càm nhận được rất nhiều điều quý báu từ tấm lòng yêu thương học trò của các thày cô ở đây. Từ thày cô giáo đã thành danh đến thày cô trẻ mới về một vài năm, họ đều đầy nhiệt huyết, tận tình. Những cái leng keng níu kéo gây xao lòng của khó khăn cuộc sống không cản được truyền thống. Tất cả đều cháy hết mình với học sinh thân yêu. Ngoại cảnh này khiến tôi nhớ đến kỉ niệm của mình, nhớ cô giáo . Tôi viết ra sau nửa thế kỉ. Có thể cũng như vậy các cháu sẽ viết ra chuyện của chúng và truyền lại cho con truyền thống quý báu này ở mai sau.       

                               
Cứ có dịp là tôi hay đưa con về thăm quê, dù quê rất xa, đi lại khó khăn. Về quê thăm chào họ hàng, khấn bái tổ tiên và gặp lại những người tôi quý yêu trong đời. Ít ra thì cũng là điều dạy bảo con, cho biết nó là ai, phải làm gì để mà tự vươn lên. Tôi hay đưa con đến thăm thầy cô giáo cũ. Có một lần hai bố con đến thăm cô Nhung, cô giáo dạy thể dục của tôi.
Đã nhiều lần ghé thăm cô, nhưng lần này cô nhất định bảo ở lại ăn với cô bữa cơm rau. Vừa nhặt rau cô vừa kể cho nó nghe chuyện lúc tôi còn bé hơn nó bây giờ. Con trai đi cùng ngỡ ngàng lắng nghe chuyện cô trò gần nửa thế kỉ qua. Cô đã già nên hay kể chuyện cũ. Nó nói với tôi lúc về: con nghe như chuyện cổ tích ba ạ.
Tôi nhớ một kỉ niệm ấu thơ cùng với cô.
                                                              ***
Năm 1967, tôi 12 tuổi học lớp 5. Gia đình tôi theo bệnh viện của ba mẹ đi sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom. Một vùng quê nông thôn nghèo khó: xã Đông xuân, huyện Đông quan. Vào buổi tối giữa tháng ba, cô Liễu hiệu trưởng đến nhà thưa chuyện với ba mẹ tôi. Cô xin phép để sáng sớm mai nhà trường cử cô Nhung giáo viên trẻ, dạy thể dục của trường đến đèo tôi đi thi học sinh giỏi toán của tỉnh. Nơi thi cách nhà 40km.
Năm giờ sáng, trời còn mờ tối cô Nhung tới nhà. Tôi vội vàng mặc bộ quần áo ít rách nhất mà mẹ tối qua đã cặm cụi khâu vá. Mẹ âu yếm dúi cho một hào để ăn xôi. Vội vàng cô đạp xe chở tôi lên đường. Chiếc xe đạp cô Liễu hiệu trưởng cho mượn cũng chẳng khác xe thồ là bao, cứ tí tí lại tuột xích. Cô lại nhảy xuống móc xích lên đạp tiếp, tay dính dầu mỡ lem luốc. Hai tiếng sau gần đến điểm thi. Đi qua một cái chợ, cô dừng xe mồ hôi nhễ nhại hỏi tôi đói không ? dạ có ạ. Cô ghé bà bán bún đậu gọi một tô giục tôi ăn mau để có sức thi. Tôi loáng cái đã ăn xong, lúc ấy mới thấy cô không ăn? Chưa kịp hỏi gì, cô đã cười đứng dậy bảo: thôi mình đi em.
Tôi vào thi hai tiếng.

Lớp học


Cô ngồi dưới gốc cây ngoài đường nắng, gió bụi chờ. Khi tôi vừa ra, cô tươi cười đón. Quệt mồ hôi trên má tôi, cô hỏi em làm bài được không? Cô ơi, em chỉ làm được một nửa thôi, có mấy bài khó quá. Cô động viên mấy câu rồi lại cặm cụi đạp xe chở tôi về.

Giờ giảng bài.
Hết tuột xích lại dắt gấu quần vào xích. Cô tiếc lắm cái quần phin đen mới dành dụm mua bị xích gặm rách gấu. Thế rồi cô kiếm cái dây, cột ống quần lại không cho lất phất nữa. Cách nhà gần chục cây thì lốp xịt, cô có sẵn ống bơm. Được vài lần như vậy thì không bơm được nữa, xăm sì rồi. Dắt vào thợ sửa xe họ bảo vá thì ba hào. Cô dắt xe ra không vá, bảo tôi hai cô trò mình về. Tôi đưa một hào mẹ cho lúc sáng nói: cô ơi! cô lắc đầu. Hai cô trò dắt xe đi bộ, gần 12 h trưa về đến nhà. Cô đỏ bừng mặt, mồ hôi lưng áo ướt đẫm, cô cười chào ba mẹ tôi rồi về.
                                                              ***
Tôi khi ấy còn bé, đâu có biết cô chỉ đủ tiền mua một bát bún cho tôi ăn, còn mình thì nhịn. Cô phải dắt xe về vì còn hào nào đâu mà vá lốp xe.
Suốt cuộc đời tôi vẫn nhớ.
Tôi vẫn thỉnh thoảng ứa nước mắt nhớ kỉ niệm này. Nhớ cô.
                                                                     Viết nhân dịp 20/11/2014                                                                                          
                                                                       Một phụ huynh học sinh



7 nhận xét:

  1. Câu chuyện thât giản dị mà cảm động ! Dẫn con về quê xa thăm cô giáo cũ của mình ấy là làm thày cho con học đạo sâu sắc mà hiệu quả lắm thay !

    Trả lờiXóa
  2. Câu chuyên để cho cả già lẫn trẻ phải nghĩ nhiều nhất là con cháu chúng ta.

    Trả lờiXóa
  3. Đây mới chính là con người của Tuân .

    Trả lờiXóa
  4. Viết hay thế này thời gian khổ thì thày cô bây giờ càng thấy đau hay phớt? Cái gì để lại sau hành trình dạy học?

    Trả lờiXóa
  5. Sáng nay đọc bài này ,xong đọc lại hai ba lần. Cả ngày váng vất, cứ ngỡ bị trúng gió... Nhưng (mẹ kiếp) phải gió gì mà cứ nhìn xuống mặt sân nhà thấy lởn vởn dây xích thõng thẹo, cái quần phin đen tua rua phơ phất... phất phơ đến nỗi thấy nao lòng vì sự đơn chiếc trong chiều nay????
    Bài này mà đăng ở mấy tờ báo "nhớn " chắc là cho qua, vì đang mải tìm mấy cô chân dài của mấy "eng" cầu thủ nổi danh trong làng túc cầu!!
    Nhưng trang báo nhà mềnh , mà đã là báo nhà mềnh có ông Thầy Quang , kiêm nhiếp ảnh gia thì ...phải là hay .
    và ....Hay thật .
    Cô giáo dạy thể dục - đưa học sinh đi thi- cái xe đạp mòn cũ- cô trò bụng đói- cô chở trò đi trên con đường phố huyện gập ghềnh đá sỏi, trật trụa. Hai cô trò chỉ đủ tiền mua 1 bát bún, dành cho trò... Nhiều lắm những hình tượng rất thường gặp . đó là mình ngồi sau xe chị mình, cô giáo mình, Mẹ mình, thoảng khi Cha mình...
    Tất cả chúng mình ai cũng có ít nhiều và đều rất ghi nhớ, khắc cốt ghi xương....chỉ đêm sâu lắng nhớ mới thao thức, vật vã trên giường...
    Viết được ra như Tuân thật sung sướng, chúng mình cũng có những kỷ niệm, nhưng " cháy lên " thật khó.
    Đọc "Tuân " vào những ngày nhà giáo lại thấy thật ý nghĩa, và thật sâu lắng , quý báu.
    Bất chợt se buồn, sách giáo khoa không dành nhiều chỗ cho "Bà bủ " cho "Mẹ Suốt"...
    Chắc là " Quanh hồ gươm không ai bàn chuyện vua Lê ".
    Nhưng hẳn là mình buồn vô cớ.
    Thử hình dung: hai , ba mươi năm nữa, các cháu thế hệ 10x viết về thầy cô bây giờ thế nào nhỉ?
    Chắc hẳn cũng toàn điều tốt.
    Đêm nay bầu trời đầy sao. các ngôi sao đang xếp theo vòng xoáy Acsimet ... nở mãi to.
    Vòng lớp nào của thế hệ chúng mình- Hời Phạm Văn Quang, Trần Thanh Tuân, Trần Minh Oánh....
    Tôi thích mảng đề tài này và bài này,. Đọc và nghĩ thấy chúng mình may mắn và nhiều hạnh phúc.
    Cảm ơn tất cả

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn bác Cao Lan chia sớt nắng mưa. Viết ra mà làm bác sau khi đọc vảng vất như phải gió như vậy vì bác có tâm. Cái quần phin đen của cô ngày ấy cũng cả là vấn đề khi rách lua rua, bác sống cùng thời nên cũng thấy thấm cái tình cô dành cho trò. Bác cho em cảm giác bầu trời đầy sao xếp vòng xoáy Acsimet thật ý nghĩa khiến em nhớ tới bức họa ĐÊM NHIỀU SAO của Vicent Van Gogh, các ngôi sao xoáy lên thành dải thiên hà.: Vũ trụ nở ra.
    Tình thày cô dành cho trò bao giờ cũng bất tử, ngàn năm trước hay vạn năm sau cũng thế thôi.
    Cám ơn các bạn đã chia sẻ vui chung.

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]