Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

BÁN CHỢ

   Trần Thanh Tuân                                          
                                           Cơ Điện lăn lộn với đời
                                                                               
Đang bon bon trước vòng xoay chợ Bến thành thì nhác thấy một khuôn mặt quen quen đứng ngay dưới chân tượng Trần Nguyên Hãn, tôi vòng xe lại, tới gần thì bất ngờ cả hai đều reo lên : A !
Chỉ có a thôi là nhận ra nhau, cái mặt Cơ Điện chả lẫn đi đâu được ! Còn tên thì phải một lát mới nhớ. Hai mươi năm rồi còn gì. Thế là : tao Tuân Vịt đây ! nó cũng : tao Anh Bơ đây! Vồ vập kéo nhau ngay vào nhà hàng Cột cờ Thủ ngữ hàn huyên.
Tôi gặp Trần Bắc Anh tại Sài gòn tình cờ như vậy.
Nó có biệt danh Anh Bơ vì dạo khó khăn gian khổ còn học ở ĐH Cơ điện thằng này khi về nhà lúc nào cũng mang lên trường được một miếng bơ to bằng nửa bàn tay. Bạn bè đều được nó chia cho mỗi thằng một tí bôi vào mẩu bánh mì. Với lại, nó có tính chẳng coi cái gì quan trọng, cái mặt thỉnh thoảng cứ bơ bơ như nghĩ cái gì đâu đâu. Đã biết được nhau thì hay tụ tập và thế là cuộc đời bươn chải, chìm nổi của nó qua những lần say với bạn hé lộ. Biết được nỗi gian truân của nó vươn lên trước cuộc sống cũng chẳng ghê gớm gì so với anh em, nhưng nó có vài chuyện tôi rất tâm đắc, dưới đây là một chuyện như vậy.

                                                        ***
 Có các vàng thì cũng chả ai dám nghĩ học ĐH Cơ điện ra đi làm lại trở thành người bán chợ. Qúa lắm thì kinh doanh sắt thép, máy bơm, phụ tùng , đồ điện, trái nghề lắm thì cũng bán bia hơi, thuốc diệt mối mọt, vòng tránh thai… Ai lại đi bán chợ, mà bán chợ to, chợ huyện chợ tỉnh mới ghê. Thế mà nó thành người bán chợ, người Việt nam đầu tiên bán chợ. Guines Việt nam nếu có mục ấy thì chắc là ghi tên nó rồi. Nghe thì lạ, nhưng mà đúng thế. Chỉ vì khó quá mà nghĩ ra, thế mà nó cũng nổi tiếng một thời loanh quanh mấy tỉnh miền tây Nam bộ này.
Chợ xây xong, chủ đầu tư không có tiền trả. Tổng Giám đốc cứ nó mà giã. Làm phúc phải tội là như thế này đây.
Tiền thì mất giá hàng ngày.
Lo.
Chuyện là thế này.
Một hôm khoảng 10-11h  của cái thời khốn khổ 89-90, nó đang làm việc thì có điện thoại của anh Tư Tổng Giám đốc gọi lên: mày xuống anh có chút việc. Vội vã xuống ngay, nó bước vào thấy đông khách quá , toàn người lạ, thì ra anh Tư đang tiếp khách tỉnh.
Trước đó một lúc mấy ông khách bạn chiến hữu của anh Tư lên Sài gòn tìm nhờ giúp tỉnh một việc khó khăn.
Năm ấy Đại hội đảng lại qua hai vòng. Hết vòng một gay go lắm vì dân có nhiều ý kiến, đặc biệt là cái chợ tỉnh xây ba năm mới được cái nền, bốn năm nhà thầu đều bỏ. Cái chợ thì chình ình giữa đô thị thế kia, dân xì xào bàn tán nhức đầu lắm rồi.
Kinh tế èo uột, ngân sách gần như trống không, mà cái chợ như là trái tim của đời sống dân sinh lại thế này, nhiều tiếng ai oán than thở. Cán bộ tỉnh lo nhiều mà bí không biết gỡ làm sao.
Cướp giật, lừa đảo, thất nghiệp, mù chữ, bể hụi, bộ đội giải ngũ không việc làm, nông dân bỏ ruộng…trăm thứ việc rối mù.
Quản trị xã hội khó thật mà lãnh đạo thì từ R ra, cứ vừa làm vừa học, nhiều cái sai lè mà cứ tưởng đúng. Nghị quyết ai cũng thấy đúng, biểu quyết lúc nào cũng 100% , chỉ khi thực hiện là thấy trệch, không hiểu làm sao?
Thôi, đành lên nhờ bạn bè giúp đỡ, may ra…không thì vòng hai anh em rớt sạch mất.
Nghe các anh ở tỉnh nói xong anh Tư bảo các anh đợi chút để tôi gọi chú em này, tham mưu của tôi, nó được lắm, xem nó tính gì giúp được không ? Thế là anh Tư gọi nó.
Kéo cái ghế nhỏ vào bên cạnh, anh Tư bảo mày ngồi đây rồi giới thiệu với khách, đây là cậu Bắc Anh trưởng phòng của tôi. Quay qua anh giới thiệu sơ sơ, đây là anh Ba phó bí thư trực kiêm Chủ tịch, và mấy anh trưởng các ban ngành ở địa phương. Nhìn thấy toàn những bộ mặt khắc khổ vẻ lo âu tràn ra ánh mắt.

Chiều tàn


Nghe một lúc là nó biết các anh muốn nhờ xây hộ cái chợ cho xong. Anh Tư bảo chuyện là vậy, sao mày? Nó khẽ hỏi, cái chợ xây bao nhiêu m2 ạ? Cỡ 3000m2. Nó ngồi im, cái máy tính trong đầu nó đang rối rít tính toán.
 Anh Tư nói to cho mọi người nghe, mày tính sao nói cho các anh đây rõ  người nhà cả. Anh Ba bảo có gì chú cứ nói, đừng khách khí. Nó bảo chả có gì mà lo, hai tháng là xong, em chỉ cần các anh ba cái công văn và các anh thực hiện đúng cam kết. Nó nói khơi khơi.
Bỗng nghe cái rầm! một ông trong đoàn đập tay xuống mặt bàn, nè ! đây không phải chuyện con nít! Sinh mệnh anh em lãnh đạo địa phương đó.
Mặt anh Ba quắt lại, anh vừa đập bàn thì mắt long sòng sọc, mấy anh kia mắt đăm đăm nhìn nó khó chịu.
Cả đoàn đã đi nhờ mấy nơi, họ đều nói khó lắm, rất nhiều điều kiện oái oăm, không giúp được. Thằng oắt này là ai mà dám dỡn chơi anh Ba!
Nó tái mặt ngồi im.
Anh Tư bảo các anh đây đang lo, mày nói rõ xem nào? Đây là chuyện chính trị , không chỉ là cái chợ đâu.
Nó bình tĩnh lại và nói khe khẽ, DT chợ 3000m2  xây thì rất lâu và tốn kém, nếu làm bằng khung nhà tiền chế thì nhanh và rẻ. Cần bốn bộ khung kho tiền chế của Tiệp hợp khối lại.  
Mọi người trao đổi sôi nổi hẳn lên
- Làm bằng khung kho Tiệp còn gì bằng.
- Nhưng tỉnh không có chỉ tiêu khung kho.
- Không có chỉ tiêu thì mua theo lệnh bán thu đổi lương thực.
- Bán chịu được không?
- Có chỉ thị cấm bán chịu của Liên Bộ.
Các anh  trao đổi và thấy đủ loại barie ngáng đường. Chỉ tiêu nhà nước không có, chỉ tiêu thu đổi lương thực thì dành cho xăng dầu hết rồi, mà cái quan trọng nhất là tiền chưa có. Bàn một hồi vẫn không có lối ra. Bí.
Ghé tai anh Tư nó nói nhỏ, anh Tư cho họ mượn, sau mùa lúa tháng mười được không? Được.
- Bao giờ các anh Đại hội vòng hai? nó hỏi.
- Mùng hai tháng chín.
- Vậy 19/8 em bàn giao.
- Trời, vậy thì còn gì bằng! Mọi người hoan hỉ.
- Em đề nghị tỉnh ra ba văn bản là ba công văn sau: Công văn thứ nhất…   Công văn thứ hai, thứ ba là …  Ban quản lý của các anh sẽ quản lý các thu chi của công trình cho tới khi bàn giao cho Ban quản chợ.
Anh Ba ngả người ra sau ghế cười như thấy mình đã trúng cử vòng hai, anh tươi hẳn lên nói : nghe chú trình bày xong anh em tui yên tâm quá, đúng là quý nhân phò trợ đây rồi. Lúc rồi anh Bảy nóng em thông cảm nha. Anh ôm lấy nó rung rung lắc lắc cái vai thật thân thiết.
Thế là nhậu một trận tơi bời hoa lá ngay tại phòng anh Tư đến tối mịt.

Mịt mù quá, liệu những sợi cáp có là cwus cánh...
                                                    ***
Mấy ngày sau nó đưa thợ tràn về tỉnh cùng xe cộ máy móc vật tư, làm không kể ngày đêm. Dân đến xem, ngó vào bảo không biết có như mấy ông trước không mà dữ dằn ghê nhỉ ? Thợ thuyền và nó ngày nào cũng mệt đứt hơi mà mấy con gà mắt xanh mỏ đỏ miệt vườn cứ tối khuya lại quấy nhiễu.
Hai tháng sau cái chợ hoàn thành. Trống rong cờ mở, loa đài phát thanh cờ hoa rực rỡ, hân hoan làm lễ khánh thành và bàn giao. Dân tình nô nức, đại hội vòng hai các anh lãnh đạo cũ trúng gần hết. Lãnh đạo các cấp của tỉnh vui như ngày giải phóng.
Anh Ba cho người mang lên cho nó một ký tôm khô.
                                                    ***
Năm ấy cả Nam bộ bị nạn sâu rầy, thiếu thuốc trừ sâu phân bón nên lúa không trúng . Công nợ cái chợ bắn sang Ban quản lý, người làm ở Ban quản lý thì mới tinh bảo chúng em chả biết nợ nần gì, cái đó phải hỏi anh Út, chúng em chỉ quản lý chợ sau khi hoàn thành.
Cứ lằng nhằng vậy mất vài tháng, anh Tư bảo mày phải lo tiếp đi. Tháng hai lần đi đòi nợ, nợ không thu được chỉ nhậu cười trừ với vài cái giấy xác nhận nợ. Tỉnh không có nguồn.
Bất ngờ một sáng anh Tư gọi bảo mày xuống phòng anh có việc, thấy mặt anh buồn buồn nó hỏi có chuyện gì vậy anh Tư ? anh pha trà và nhẩn nha nói anh Ngh. Bộ trưởng vừa điện thoại hỏi quanh cái vụ mày xây chợ, có đơn thưa ra Bộ, Thanh tra bộ, Đài tiếng nói nhân dân Tp… anh thở dài, nội bộ có đứa chơi đểu. Một lát sau anh bảo mày thảo bản tường trình gởi Bộ trưởng ngay, cứ có sao nói vậy cho các anh biết, chứ không tin đồn lung tung sẽ ảnh hưởng nhiều thứ. Mình sai chả là gì, có sao tao chịu. Nó nghĩ mãi mà không biết mình sai gì nên hỏi : đơn thưa mình sai cái gì? Tao cũng không được biết, thôi cứ đúng vậy mà viết.
Tường trình gửi hỏa tốc ra, Thanh tra bộ đọc kĩ và sau khi báo cáo Bộ trưởng cử hai cán bộ bí mật vào miền Tây gặp lãnh đạo địa phương. Hôm quay ra có tạt qua TCTy làm việc và lấy bổ túc thêm ba văn bản tỉnh kí. Thanh tra vi hành một chuyến dài mới tin là chuyện có vậy thật !
Thanh tra vừa về thì hôm sau có cán bộ điều tra của bên Công an Tp sang làm việc với anh Tư. Hai vấn đề nêu ra là cái chợ và một cái ô tô Ladalat bán ra cho tư nhân có 200.000 vnd .
Anh Tư giải thích vụ cái chợ vừa làm với Thanh tra Bộ và sao cho họ một biên bản, còn cái xe Ladalat thì anh bảo các anh cứ tiến hành điều tra, tôi tin không có chuyện gì.
Cán bộ PC16 bảo sẽ kết hợp với Bộ chuyện cái chợ còn cái xe thì phải làm, thế là hai anh PC16 gọi nó vào một phòng riêng hỏi vặn vẹo và bắt cung cấp các chứng từ liên quan. Từ biên bản thanh lý, các hồ sơ phê duyệt của Bộ mấy năm trước phải lục tìm mấy năm.v.v.v cung cấp đủ hết.
Vài ngày  sau cán bộ điều tra lại đến bảo anh phải viết tường trình. Nó bảo các anh thấy nếu tôi sai thì bắt đi, tôi không thấy sai gì nên không viết tường trình. Nó cứ ngang ngang vậy, kiên định một điều. Hai cán bộ điều tra ra về với vẻ mặt khó đăm đăm.
Cú này phải cho thằng này chết !
Ấy vậy mà mấy tuần sau cũng không thấy ai hỏi han gì về vụ cái xe nữa.
Vụ Tài chính kế toán của Bộ được lệnh vào kiểm tra TCTy và kết luận …. phải trả ngay số nợ ngoài ngành trong vòng một tháng.
 Anh Tư bảo nó ráng lên và đưa cho nó cái giấy tờ nhà của anh. Nó về nhà gom luôn giấy tờ nhà mình vào một bộ hồ sơ để mang ra ngân hàng làm thủ tục vay lấy tiền trả TCTy cho xong chuyện.
Vợ con nó ngơ ngác, sụt sùi.
Lo bạc mặt.
Tháng sau tại phòng anh Tư gặp hai cán bộ điều tra, các anh mới kể cho rõ ngọn nghành . Đơn thưa cái chợ là tham ô, không có hóa đơn xuất bán, phiếu thu tiền, cái xe Ladalat là ăn chênh lệch ngoài. Các anh nói, tưởng thế này mà lại ra thế kia, khổ cho họ là phải điều tra vụ này.
Sau cái hôm ở TCTy về một anh cán bộ điều tra cứ theo địa chỉ ghi trên hóa đơn cái xe Ladalat lần mò tìm đến nhà người mua để hỏi. Thấy cái Villa to đùng ở trung tâm Tp đã ngại không muốn vào, nhưng công việc phải làm nên cứ vào. Không gặp chủ nhà, và được bác gái chỉ lên chỗ làm việc, anh phóng xe tới, thì ra bác này làm ở CA quận, hỏi tên thì được mời vào phòng Trưởng CA quận. Vừa vào anh gặp ngay một bác tóc bạc vai đeo phù hiệu đại tá, anh chào và nói lí do đến xin làm việc. Nghe xong lí do ấy ông đại tá hỏi anh cho tôi xem thẻ ngành, anh trình ra, ông đại tá lấy bút ra ghi và quay điện thoại. Mười B hả? bên chú có cậu nào tên…không? Đang ở chỗ anh Hai nè ? ….một lát sau, tiễn anh ra cửa ông Sáu vỗ vai bảo tớ còn chưa biết mặt người ta thì làm sao gán cho họ cái tội ấy được. Này ! mình nhờ Mười B một việc, chắc cậu phải làm giúp, giúp tớ nhé !
Hóa ra ông Hai bạn chí cốt của ông Mười thủ trưởng cậu kia. Ông nhờ phải điều tra ra người viết đơn thư nặc danh này. 
                                                    ***
Mấy cái vụ đơn từ này làm nó khó chịu. Nhìn nét mặt bồn chồn lo lắng của vợ và công nợ dây dưa nó trầm tư nhiều lúc bất động cả tiếng đồng hồ. Tính nó tếu táo vui vẻ nhưng vướng vụ này trông nó già đi trông thấy, tóc bạc ra, tự nhiên lầm lì ít nói hẳn. Cơ quan ai cũng thấy thương mà chẳng biết chia sẻ thế nào, khổ thân nó phải chịu trận, không khéo mất toi cái nhà, vợ con ra gầm cầu à ! Chú Sáu bí thư đảng ủy TCTy nhiều lần mời uống trà động viên, đảng ủy đã biết rõ việc này, cháu ráng lên, có gì chúng tớ ủng hộ.
Bức xúc lắm nhưng con nợ lại thật tình chỉ vì họ quá bí mà thôi. Nó nghĩ đủ cách để gỡ, cách nào cũng thấy chưa có đường ra.
Lần nào đi đòi nợ xe cũng chạy qua nghĩa trang AB. Nghĩa trang chỏng trơ mấy cái bia mộ bằng gỗ quét vôi trăng trắng ngả màu xin xỉn, cả lượt đi lẫn về bao giờ nó cũng ngoánh cổ vào đó. Thằng Út Trưởng ban Kinh tế bảo liệt sỹ trong đó toàn vô danh cả đấy anh ạ. Tò mò một lần nó vào xem, đúng như vậy. Ngẩn ngơ một lát nó thắp mấy bó nhang cắm hết các mộ phần và lẩm bẩm cầu các liệt sỹ vô danh được hiển thánh nơi thiên đường và mong các anh giúp nó đòi được nợ của “ quân ta “.
 Nó tần ngần suy nghĩ cái gì xa xăm quanh cái mấy cái bia xin xỉn ấy.
Một lần xuống đòi nợ, lo lắng đêm ngủ không yên, nửa đêm bỗng có ai lay lay nói loáng thoáng …như vậy,..như vậy nhé!
Tỉnh dậy nó tìm không thấy ai chỉ thấy mỗi tập bản vẽ Tổng mặt bằng chợ tự nhiên lại nằm giữa bàn cứ sáng lấp lánh. Giở bản vẽ đã thuộc lòng ra thấy chói lòa, bay bay, bay bay.
 A, đây rồi!
Suốt từ đó đến sáng nó ngồi vẽ ngang vẽ dọc vào cái bản vẽ.
Nó phân lô trong chợ. Chỗ này bán gạo, chỗ kia bán rau, chỗ bán thực phẩm, chỗ hàng quần áo, hàng nhựa.v.v.v.ngủ thiếp đi lại nghe thấy ai nói…như vậy, như vậy!
Sáng ra nó gọi ngay thằng Út bảo mày đi với tao lên gặp anh Ba trình phương án bán sạp trong chợ lấy tiền trả Tổng Cty.
Thằng Út mừng quýnh đi luôn.
Anh Ba cũng mừng chẳng kém, bảo từ cổ chí kim đến giờ chưa thấy ai làm vậy, anh cho gọi ngay cán bộ đầu ngành họp nghe trình bày. Hai tiếng sau có ngay văn bản phê duyệt phương án bán sạp, miễn thuế hoa chi ba năm cho người buôn bán.
Dăm tuần sau sạp bán hết, nợ thu đủ, dân hoan hỉ, anh em lãnh đạo các cấp thở phào nhẹ nhõm, thằng Út phấn khích dẫn nó xuống ghe sục sạo miệt vườn cả tuần sau bơ phờ lết về mang theo một vài cây cảnh.
                                                       ***
Chợ đã xong, lên chào anh Ba, anh vui vẻ bắt nhậu. Anh bảo xuống dưới này lâu rồi em thấy làm được gì cứ đề xuất anh ủng hộ. Nó nói, em xin anh Ba giúp một việc là cho phép em xây cái nghĩa trang AB, kinh phí em tự lo, các anh giúp em ghe thuyền chở vật tư vào là được. Anh Ba ngây ra nhìn nó trìu mến hồi lâu, nước mắt ngân ngấn nói địa phương biết trả ơn em thế nào đây? Thằng Út bảo vụ chở vật tư này dễ ợt, anh Ba để em lo.
Dịp 22/12 năm ấy khánh thành nghĩa trang AB.
Thắp nhang, dâng hoa cho các liệt sỹ vô danh toàn thấy phần lớn ghi thanh niên ba sẵn sàng. Các anh quê chắc mãi ngoài Bắc đây, bao giờ mới về được với mẹ? em kính lạy các anh!  Nó nhắm mắt lẩm bẩm : Các anh ơi !... như vậy…,… như vậy được chưa ? nếu các anh hài lòng cho em một dải khói bay lên.
Vài phút sau tự nhiên có cơn lốc nhỏ cuốn lá cây rụng bay cuộn lên, di chuyển quanh nghĩa trang vài phút mới tắt.
Bình minh đang lên

Các anh thiêng lắm, ai có đi qua nhớ ghé thăm.
Từ đó mở đầu cho các phong trào tu sửa mộ liệt sỹ ở miền Tây và cũng  bắt đầu phong trào xây bán chợ lan ra cả nước.
Thỉnh thoảng gặp nhau tôi thấy cái mặt đã hằn nhiều nếp nhăn của nó vẫn cứ bơ bơ. Đúng là Anh Bơ !
Ồ, cái thằng  bán chợ !
Cái học thì không làm, toàn làm những chuyện vu vơ, tí toi.
           Tết về nhớ chuyện Cơ Điện lăn lộn với đời. Sài gòn 2/2014.




9 nhận xét:

  1. Xây chợ, bán chợ rất hay. Xây chợ BÁN CHỢ đòi hỏi phải biết tính toán giỏi . Được cái Sướng nhất là : Láo Bách tuổi Ất Mùi xây chợ Đồ Sơn HP 2009, nay chợ xong hắn xây được cô vợ mới, nhà mới và hai đứa con một trai một gái . Bà vợ già hắn bỏ cũng có mọt trai một gái đã có chức ông nội ông ngoại, vợ già hắn nay chuyển vào chợ Bến Thành làm nghề Mua Chợ !

    Trả lờiXóa
  2. Nhiều điều thú vị ở tác phẩm này. Chú TV này có nhiều chuyện độc quá.
    Ồ, cái thằng bán chợ !
    Cái học thì không làm, toàn làm những chuyện vu vơ, tí toi.
    Kết truyện có cái gì đúng là Anh Bơ ! Hay đấy TV ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Chuyện có nhiều điều phải nghĩ. Người nghĩ được lại không có trọng trách, người ngồi chỗ lại không đủ năng lực, làm khổ nhau và phức tạp nhiều vì thiếu hiểu biết.
    Với cái nhìn của T.V chỗ nào cũng có chuyện để viết.
    Tấm lòng của Anh Bơ cũng hiếm, một vẻ đẹp của người Cơ Điện. Đó là sự thông minh vượt khó ( có đến 8 loại thông minh...)

    Trả lờiXóa
  4. "Biết rồi,Khổ lắm, nói mãi" Chắc các bạn còn nhớ câu này tồn tại như một câu cửa miệng trong xã hội ta một thời gian khá dài. Thời gian ấy chính là cái thời chúng ta trưởng thành, chính là cái thời trong câu chuyện của TV đấy và cũng là cái "túm gon" của bài còm mà Thọ K8A vừa viết trên.
    Kẻ biết thì lang thang không có quyền, không có điều kiện để thi thố cái biết của mình.
    Kẻ không biết gì thì lên làm quan và việc bầu bán không phải để tìm người làm được viêc... hay nói cách khác, hiệu quả công việc không phải vì lợi ích xã hội mà để cái kết quả bầu bán nó "đúng hướng"
    Nhưng dù sao cái kết trong chuyện này còn có hậu, anh Tư TGĐ vẫn còn biết gọi cái thằng Bơ lên hỏi ý kiến, vẫn còn tin cái thằng Bơ để giao việc. chứ mà "biết rồi, khổ lắm , nói mãi" thì không phải là "tí toi" nữa...
    Còn bây giờ cái câu châm ngôn ấy không được dùng nữa, những cũng còn nhiều chuyện lắm...

    Trả lờiXóa
  5. Người làm cũng hay mà người kể cũng hay chẳng kém. Anh Bơ hồi này sao anh TV?

    Trả lờiXóa
  6. Anh Bơ làm nhiều việc: hết quần áo đánh sang Đông âu, lại lập xí nghiệp nghiền đá trên thủy điện Thác mơ, liên kết với Hàn quốc sx mũ nón xuất sang Mỹ lại lập xưởng sx đậu phộng da cá bán độc quyền tại Nga. Anh em góp ý nên nghỉ thuê Giam đốc, nó thuê thử nhưng ba bốn đứa đều không như ý,đứa làm được lại nhăm nhe nuốt cái nhà máy. Nên phải nó phải cố. Nó bảo thèm cái nhàn hạ không có gì của TV. Ngày mai K9 Sg tập trung lo chuyện ĐXBút nó chắc có mặt. Phải hỏi lại nó một câu mà bữa trước nó nói : bây giờ mà không bơ thì chết hết người tử tế là làm sao ? nhiều người giống nó, bơ đi để tồn tại.

    Trả lờiXóa
  7. "bây giờ mà không bơ thì chết hết người tử tế"
    " nhiều người giống nó, bơ đi để tồn tại."
    Ý nghĩ của 2 kĩ sư CĐ - những người lăn lộn với cuộc sống tạo sản nghiệp cho mình - phản ánh một phần thực trạng hiện nay.

    Các bạn làm tôi nghĩ đến ước muốn thiết lập lại trật tự, xóa bỏ rào cản ngăn trở sự phát triển...

    Mong sao nhà cầm quyền thấu hiểu và hãy làm những gì hợp với lòng dân.

    Tất cả chỉ để đất nước này phồn vinh, xứng với sự hy sinh của những người con trong những cuộc chiến giữ nước.

    Trả lờiXóa
  8. Chú ở BBT cho ảnh cuối độc nhỉ ? Bình minh hé sáng thì lão ông chỉ còn cái quần tà lỏn chạy trên cát !

    Trả lờiXóa
  9. Nhiều người giống nó, bơ đi để tồn tại. Nghĩ mà buồn. Nhưng bay giờ phải vậy.

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài hình ảnh, video, bài hát vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]